Giáo dục

Thực hư chuyện Việt Nam lọt top 20 nền giáo dục tốt nhất thế giới

Mới đây báo chí trong nước và thế giới đưa tin Việt Nam xếp thứ 19 trong bảng xếp hạng 20 quốc gia có nền giáo dục tốt nhất thế giới. Điều này cần được lý giải như thế nào?

Ngay sau khi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố kết quả PISA 2015 vào ngày 6/12, ngày 8/12, một tờ báo của Anh - The Independent - đã có bài viết "Những quốc gia tốt nhất thế giới để đến học", trong đó liệt kê 20 quốc gia có học sinh đạt thành tích cao nhất. Bản liệt kê này lấy từ kết quả của 72 quốc gia và nền kinh tế tham gia khảo sát, trong đó Việt Nam đứng thứ 19.

Vào những ngày giữa tháng 1, một số tờ báo của Việt Nam đưa tin "Việt Nam lọt top 20 nền giáo dục tốt nhất trên thế giới".

20170113104327 vn

PISA là bài kiểm tra nhằm đánh giá khả năng của học sinh 15 tuổi ở 3 lĩnh vực: khoa học, đọc hiểu và toán học, trong đó có những câu hỏi thực tế yêu cầu giải quyết vấn đề tài chính và đọc hiểu.

Theo kết quả PISA 2015, học sinh Việt Nam xếp thứ 8 về khoa học - lĩnh vực được đánh giá là trọng tâm của năm nay. Bên cạnh đó, lĩnh vực Toán học, Việt Nam đứng thứ 22 còn lĩnh vực Đọc hiểu là 32.

Anh Phạm Hiệp, một nghiên cứu sinh ở Đài Loan cho rằng: "PISA là 1 kỳ thi nghiêm túc, đánh giá năng lực toán học, khoa học , đọc hiểu, và một số vấn đề khác. Bản thân PISA cũng chưa bao giờ nhận đây là đánh giá bắt bệnh tổng thể cả nền giáo dục cả. Nhưng về tới Việt Nam, không hiểu sao nó lại được tuyên truyền như là kỳ thi đánh giá tổng thể".



Trao đổi với VietNamNet, TS. Tăng Thị Thùy, chuyên gia nghiên cứu về PISA cho rằng, vấn đề quan trọng của việc tham gia PISA không phải là điểm số và xếp hạng mà chỉ là kênh thông tin để phân tích dữ liệu, nhìn nhận điểm mạnh, yếu của giáo dục để có những điều chỉnh phù hợp.

"Việc so sánh điểm số và thứ hạng với các nước khác không nói lên được điều gì cả. Những nước có xếp hạng cao thì chứng tỏ học sinh giỏi hơn?" - chị Thùy nói.

TS Thùy ví dụ: Năm 2012, mặc dù học sinh Indonesia có điểm số thấp và đứng áp chót bảng xếp hạng về môn Toán nhưng học sinh lại thấy rất thích thú khi học muôn toán. Còn ở Việt Nam học sinh có kết quả cao môn toán nhưng luôn cảm thấy lo lắng và không thấy hứng thú với môn học.

Thông tin trên trang Independent cũng nói rõ, bài kiểm tra PISA được thiết kế bởi các chuyên gia giáo dục trên khắp thế giới và được sử dụng để đánh giá xem liệu những học sinh này có thể ứng dụng những gì mình được học ở trường vào các tình huống thực tế trong cuộc sống hay không.

Các nhà phê bình cho rằng, bảng xếp hạng PISA là một công cụ đánh giá kém về chất lượng học tập.

"Và chắc chắn là những nền giáo dục tập trung nhiều vào toán học và giải quyết vấn đề như Singapore hay Hồng Kông sẽ có lợi hơn trong bài đánh giá này".

PISA không thể đo lường nhiều yếu tố khác góp phần vào thành công của các hệ thống giáo dục, ví dụ như các môn nghệ thuật, mang tính sáng tạo hơn hay là mức độ hài lòng của học sinh về nền giáo dục.

Chính vì thế, thứ hạng 19 của Việt Nam trong bảng xếp hạng này chỉ đơn thuần là đạt thành tích đứng thứ 19/72 quốc gia tham gia khảo sát, và nó không tương đương với một nền giáo dục đứng thứ 19 thế giới.

20 quốc gia, vùng kinh tế có thành tích cao nhất được The Independent rút ra qua điểm số ở 3 lĩnh vực: khoa học, toán học, đọc hiểu năm 2015:

1. Singapore

2. Nhật Bản

3. Estonia

4. Đài Bắc

5. Phần Lan

6. Macao

7. Hồng Kông

8. Hàn Quốc

9. New Zealand

10. Trung Quốc

11. Slovenia

12. Úc

13. Vương quốc Anh

14. Đức

15. Hà Lan

16. Thụy Sĩ

17. Ireland

18. Bỉ

19. Việt Nam

20. Canada

Tác giả bài viết: Nguyễn Thảo - Lê Văn

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP