Giáo dục

Nguyên hiệu trưởng ĐH Sư phạm HN: 'Thi trắc nghiệm làm mất linh hồn môn Toán'

GS Vũ Tuấn, nguyên hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội đã bày tỏ lo ngại khi Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thi trắc nghiệm môn Toán trong kỳ thi THPT quốc gia 2017.

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo phương án thi THPT quốc gia 2017 và tuyển sinh đại học 2017 với nhiều điểm đổi mới đã khiến phụ huynh và học sinh cảm thấy lo lắng. Rất nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra xung quanh vấn đề này.

Học sinh trường THPT Hồng Hà tham gia kỳ thi THPT quốc gia


GS Vũ Tuấn, chủ tịch HĐQT trường THPT Hồng Hà (Hà Nội), nguyên hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ, thi tốt nghiệp là nhằm mục đích kiểm tra kết quả học tập của học sinh trong đó bao gồm cả trình độ suy luận logic (như với môn toán), hiểu biết xã hội (như môn văn, sử, địa...), cảm quan nghệ thuật ( như vẽ, nhạc…).

Riêng môn Toán nếu chỉ đánh dấu kết quả đúng sai chưa nói lên được nhiều điều. Qua bài thi tự luận kết quả chỉ là một phần nhưng lập luận mới làm bộc lộ mức độ hiểu bài của học sinh.

Là người nghiên cứu Toán học lâu năm, GS Vũ Tuấn cho rằng không nên thi trắc nghiệm môn Toán.

Qua thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố về các nội dung sẽ có câu hỏi trong đề thi Toán, GS Vũ Tuấn cho rằng cách làm này làm cho "linh hồn môn Toán không còn nữa".

"Những câu hỏi trong đề thi trắc nghiệm sẽ làm rời rạc, cắt nhỏ, làm vụn vặt các thuật toán và lý luận logic trong môn Toán học", GS Vũ Tuấn phân tích.

Một đề thi tự luận môn Toán còn kiểm tra rất nhiều phần của môn học và liên hệ với những môn học khác. Ví dụ môn Đại số liên hệ với Lượng giác, Hình học; Toán liên hệ với Lý, Hóa…

"Kiểm tra trắc nghiệm không cho biết khả năng tổng hợp, vận dụng sự liên hệ giữa kiến thức các bộ môn khác nhau.

Đặc biệt đối với đối tượng học sinh có mục đích thi môn toán để thi tuyển vào đại học thì càng cần được khảo sát sâu hơn về tư duy, lập luận logic mà thi trắc nghiệm sẽ không làm được điều này", nguyên hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội nói thêm.

GS Vũ Tuấn, nguyên hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội


Hơn thế nữa, việc thi trắc nghiệm còn có thể khiến cho một bộ phận học sinh có tâm lý lười học, sử dụng các mẹo đánh dấu để làm bài, đem lại những kết quả không chính xác của kỳ thi. Ngoài ra, với đề thi trắc nghiệm, việc nhắc bài càng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

"Bởi vậy nếu cả một bài thi không có một câu tự luận nào mà chỉ toàn trắc nghiệm sẽ khiến cho kết quả một kỳ thi quan trọng như kỳ thi THPT quốc gia khó được chính xác và nghiêm minh", GS Vũ Tuấn nói.

Theo quan điểm của giáo sư Vũ Tuấn, đề thi cần có tự luận và câu hỏi không cần quá lắt léo, mà cần cơ bản. Thậm chí có thể ra đề thi như đã học trong sách giáo khoa. Cách làm này sẽ hướng dẫn học sinh đến lối học tập đúng đắn, nắm vững các kiến thức cơ bản, nhưng phải học đủ, tránh học tủ, học lệch.

Nguyên hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng cần giữ tính bình đẳng giữa các bộ môn. Môn nào nằm trong chương trình bắt buộc đều quan trọng và cần được học.

"Và chúng ta đều biết, chỉ môn nào sẽ được thi thì mới được học sinh quan tâm và chú ý học", GS Vũ Tuấn nói.

Cuối cùng, GS Vũ Tuấn bày tỏ mong muốn có một sự ổn định trong giáo dục.

"Ổn định chương trình, ổn định sách giáo khoa, ổn định cách thi cử chứ không muốn mỗi năm một kiểu, gây tâm lý bất an. Sách giáo khoa cũng không cần thiết phải viết mới, và thay đổi liên tục mà chỉ cần bổ sung chỉnh sửa để ngày một tốt hơn.

Như vậy tránh được lãng phí cho xã hội mà để toàn thể học sinh được giáo dục trong một môi trường tương đối ổn định", nguyên hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội kết thúc chia sẻ.

Tác giả bài viết: Phương Liên

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP