Giáo dục

Nghị lực của nữ sinh mồ côi “gặt vàng” với dân ca Ví giặm

Từ nhỏ đã thiếu vắng tình thương của cha, mẹ lại sớm qua đời nhưng bằng nghị lực phi thường, Nguyễn Thị Huyền, sinh viên năm thứ 3 ngành Sư phạm mầm non, ĐH Vinh vẫn vượt khó trong học tập và có niềm đam mê đặc biệt với dân ca Ví giặm.

Vượt khó vào giảng đường
Huyền (bìa trái) tại trường ĐH Vinh. Ảnh: Duy Ngợi

Tôi gặp Huyền trong một buổi chiều muộn tại Trường ĐH Vinh. Khuôn mặt dịu hiền, nụ cười tươi nhưng ánh mắt đượm buồn là những ấn tượng đầu tiên khi tôi tiếp xúc với em. Ít ai biết, Huyền từng có tuổi thơ nhiều thiệt thòi, bất hạnh. Huyền sinh năm 1995, ở xã Mỹ Thành (một xã bán sơn địa khó khăn của huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An). Ngày em cất tiếng khóc chào đời, người cha đã bỏ mẹ con em đi biệt tích.

Rồi Huyền nhớ lại, khi đi học, bạn bè ai cũng được bố đưa đón còn em thì không có cha nên rất tủi thân. Dù khó khăn, vất vả nhưng mẹ Huyền vẫn dành tất cả tình thương cho hai chị em. Nhờ đó, chị em Huyền cũng vơi bớt phần nào mặc cảm, thiệt thòi. Nhưng rồi khi Huyền 15 tuổi, mẹ em lại đột ngột qua đời vì sốc thuốc.

Mất đi chỗ dựa lớn nhất của cuộc đời, rồi ông bà ngoại mất sớm, anh em họ hàng cũng khó khăn nên chị gái của Huyền là Nguyễn Thị Oanh (SN 1989) học hết lớp 7 phải nghỉ học để đi làm thuê kiếm tiền nuôi em ăn học. Nói đến đây, Huyền không cầm được nước mắt: “Nhìn bạn bè hạnh phúc bên gia đình, ngẫm lại mình, nhiều lúc em thấy rất tủi thân. Sáu năm rồi, em đã không còn được mẹ chăm lo cho bát cơm, bát cháo khi đau ốm, khi học hành thi cử mệt mỏi”.

Chị gái làm thuê ở Vũng Tàu, vài năm mới về được một lần nên Huyền phải sống một mình giữa căn nhà 2 gian trống vắng. Mỗi khi về thăm nhà hay gọi qua điện thoại, chị gái Huyền không quên nhắc em: “Chị khổ rồi, nên em hãy cố gắng học hành, học thêm cả phần của chị để sau này có cuộc sống tốt hơn”.

Cuộc sống của đứa trẻ mồ côi không cho phép Huyền được vô tư như bạn bè đồng trang lứa. Nhưng không phụ lòng mong mỏi của người chị, Nguyễn Thị Huyền đã cố gắng vượt qua khó khăn, vươn lên trong học tập. Huyền học đều các môn nhưng thiên về các môn xã hội. Đặc biệt, em có sở trường và đam mê đặc biệt với môn Văn. Trong kỳ thi HSG tỉnh môn Văn năm lớp 12, Huyền đã xuất sắc đoạt giải Nhì. Học hết lớp 12, em dự thi vào Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật quân đội nhưng thiếu mất 0,25 điểm. Thi không đỗ, Huyền vào làm thuê tại một nhà hàng cùng chị gái ở Vũng Tàu.

Năm 2014, Huyền lại một lần nữa nuôi ước mơ theo đuổi vào giảng đường. Sau đó, Huyền đậu thủ khoa Khoa Thanh nhạc, Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật Nghệ An và đậu ngành Sư phạm Mầm non, ĐH Vinh. Vì hoàn cảnh khó khăn nên Huyền đành phải theo học ngành Sư phạm Mầm non, dở dang ước mơ ca hát của mình. Đó là một trong những điều đáng tiếc nhất trong cuộc đời của cô nữ sinh mồ côi.

Ngày vào giảng đường, Huyền được chị gửi về hơn 2 triệu đồng để nhập học. Học hành, sinh hoạt, chi tiêu... Huyền đều trông cậy vào đồng lương công nhân ba cọc ba đồng của chị gái và khoản trợ cấp xã hội 405.000 đồng/tháng. Ngoài ra, vốn có năng khiếu ca hát nên Huyền thường xuyên được mời biểu diễn trong những sự kiện của trường và bên ngoài. Nhờ đó, em có thêm thu nhập trang trải chi phí ăn ở, học tập.

Cuộc sống khó khăn, không nơi nương tựa, nhiều lần khiến Huyền suy nghĩ tiêu cực, trách móc số phận nghiệt ngã. Nhưng nghị lực phi thường đã giúp Huyền đứng dậy, vượt qua mọi khó khăn. “Em luôn tự nhủ, không ai có thể thay đổi được cuộc sống của mình ngoài chính bản thân mình. Cuộc sống của em vốn chịu nhiều thiệt thòi nhưng không vì thế mà mãi ngồi than thân trách phận được, điều đó không giúp cuộc sống của mình tốt đẹp hơn. Ngược lại, nó làm cho mình bi quan, mãi mãi chìm trong bất hạnh mà thôi”, Huyền chia sẻ.

Nếu được, sẽ gắn bó với sự nghiệp ca hát

Nguyễn Thị Huyền xuất sắc giành HCV Hội thi Tiếng hát sinh viên toàn quốc tháng 5/2016 (ảnh nhân vật cung cấp).

Huyền được trời phú cho năng khiếu ca hát từ bé. Từ lúc học lớp 2, em đã biết hát dân ca xứ Nghệ. Cô nữ sinh mồ côi có thể hát được nhiều dòng nhạc nhưng lại có niềm đam mê đặc biệt với dân ca xứ Nghệ. Huyền bật mí, mẹ của em ngày trước hát rất hay, là thành viên trong câu lạc bộ dân ca của huyện. Do vậy, mỗi lần mẹ đưa bài hát nào về Huyền đều học thuộc và hát theo. Những lời ru hay mỗi lần mẹ hát ví giặm, Huyền nghe dần thành quen và thấm nhuần dân ca xứ Nghệ lúc nào không hay.

Từ khi đi học, Huyền luôn là cây văn nghệ của trường. Tháng 5/2016, cô nữ sinh mồ côi ngành Sư phạm mầm non vinh dự đại diện cho Trường ĐH Vinh tham gia Hội thi “Tiếng hát sinh viên toàn quốc” tổ chức tại Quy Nhơn (Bình Định). Tại đây, với phần thi hát đơn ca, Huyền thể hiện ca khúc “Nhớ thương Ví giặm” và xuất sắc giành Huy chương Vàng. Đó là phần thưởng cao quý mà Huyền không dám mơ tới và điều đó khiến em hạnh phúc khôn tả. Tuy nhiên, khi đứng trên sân khấu lớn với một giải thưởng cao quý, Huyền không giấu nổi khao khát có gia đình bên cạnh. “Ngay lúc hạnh phúc nhất, em không còn có thể chia sẻ niềm vui ấy với bố mẹ của em. Và người duy nhất em có thể chia sẻ lúc ấy chỉ là chị gái mình”, cô gái xinh xắn với nụ cười tươi không giấu nổi cảm xúc vui mừng khi nhớ lại giây phút đón nhận kết quả.

Khi được hỏi về những dự định trong tương lai, Huyền chia sẻ: “Lúc này, điều em quan tâm nhất là học tập và có một công việc ổn định. Nếu có điều kiện thử sức và gắn bó lâu dài với nghiệp ca hát, em sẽ không bỏ lỡ cơ hội”.

Nguyễn Thị Huyền đã gặt hái được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi ca hát: Giải Ba Tiếng hát học sinh huyện Yên Thành năm lớp 4; Giọng hát xuất sắc tiếng hát dân ca trong trường học cấp huyện năm lớp 9; Giải Nhất tiếng hát sinh viên khóa 55 Trường ĐH Vinh. Đặc biệt, tháng 5/2016, Huyền xuất sắc đạt Huy chương vàng cho tiết mục đơn ca xuất sắc nhất Hội thi “Tiếng hát sinh viên toàn quốc” lần thứ XIV năm học 2015-2016.

Tác giả bài viết: Thạch Quỳnh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP