Giáo dục

Đưa điểm “liệt” thi tốt nghiệp vào thi đua giáo viên

Theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT quốc gia, ban hành kèm theo Thông tư số: 02/2015/TT-BGDĐT ngày 26.02.2015 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định: Điểm “liệt” là điểm bài thi từ 1 trở xuống; thí sinh có môn thi bị điểm “liệt” sẽ trượt tốt nghiệp. Thống kê của Bộ GD&ĐT trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2015 cả nước có 37.000 điểm “liệt”, năm 2016 có 19.000 bài thi bị điểm “ liệt”. Vì sao năm nào thi tốt nghiệp cũng có thí sinh bị điểm “liệt”?

Coi thi "thoáng" nhằm kéo tỉ lệ tốt nghiệp đi lên (Ảnh nguồn: giaoduc.net.vn).

Theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT quốc gia, ban hành kèm theo Thông tư số: 02/2015/TT-BGDĐT ngày 26. 02.2015 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, quy định: “ Học sinh lớp 12 được dự thi tốt nghiệp khi học lực cả năm không bị xếp loại kém”. Còn theo Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông; ban hành kèm theo Thông tư số: 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12.12.2011 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, quy định: “Học lực xếp loại kém khi điểm trung bình các môn cả năm dưới 3,5 hoặc có một môn học có điểm trung bình cả năm dưới 2,0”.

Thực trạng, ở trường phổ thông cho thấy, rất ít học sinh không được dự thi tốt nghiệp THPT vì lý do học lực kém. Có thể khẳng định, một học sinh bị điểm “ liệt” trong kỳ thi tốt nghiệp THPT ở một môn thi nào đó, đúng ra thầy, cô bộ môn đó không nên để các em đi thi; bởi lẽ ở trường phổ thông, Hiệu trưởng phân công giáo viên bộ môn dạy từ lớp đầu cấp đến lớp cuối cấp, nên biết rõ trình độ và năng lực học tập của từng học sinh.

Có thể từ nguyên nhân: thương học trò trải qua 12 năm học, hoặc học trò đó học thêm với mình, hoặc là con cháu của người thân… gửi gắm; nhưng quan trọng hơn hết là đầu năm học giáo viên đã đăng ký danh hiệu “ Lao động tiên tiến” và xếp loại cán bộ, viên chức “ Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Bởi vậy, từ thương hại, nể nang và bệnh thành tích, nên giáo viên không thể không cho các em dự thi tốt nghiệp, dù biết rõ học sinh đó học kém và tìm mọi cách để các em đủ điều kiện dự thi, trong đó cách đơn giản nhất là “nâng điểm” ở loại hình kiểm tra mà giáo viên dạy còn được tự ra đề, tự tổ chức trên lớp và tự chấm bài kiểm tra, trong khi bộ phận quản lý chuyên môn của nhà trường không thể giám sát và thẩm định được kết quả.

Thế nên, có nhiều học sinh ở nhiều trường phổ thông được dự thi tốt nghiệp “nhầm”, tất nhiên khi thi sẽ bị điểm “liệt”, nếu như cán bộ coi thi nghiêm túc.

Mặt khác, hành vi “nâng điểm” để học sinh được thi tốt nghiệp là vi phạm quy chế chuyên môn, cũng là hình thức “gian lận trong đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh”, đó là hành vi giáo viên không được làm theo điều 35 Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học (Ban hành kèm theo Thông tư số: 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28.3.2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo); hành vi này sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc bị phạt tiền theo điều 13 Nghị định số: 138/2013/NĐ-CP ngày 22.10.2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Thế nhưng, trong nội dung thi đua ở các trường phổ thông, không có trường nào đưa tỉ lệ học sinh bị điểm ”liệt” trong kỳ thi tốt nghiệp THPT làm tiêu chí xét thi đua giáo viên, mà chỉ tính tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp.

Do đó, để hạn chế thí sinh bị điểm “liệt” trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, thiết nghĩ Hiệu trưởng ngoài việc phân công giáo viên bộ môn dạy từ lớp đầu cấp đến lớp cuối cấp để nắm vững trình độ và năng lực học tập của học sinh, cần phải siết chặt quản lý các loại điểm kiểm tra không để giáo viên nâng điểm cho học sinh kém dự thi tốt nghiệp; mặt khác trong điều kiện chưa thể quản lý tốt việc cho điểm của giáo viên nhất là điểm kiểm tra miệng, cần thiết đưa tỉ lệ học sinh bị điểm” liệt” trong kỳ thi tốt nghiệp THPT làm tiêu chí xét các danh hiệu thi đua giáo viên.

Nên chăng, ngành giáo dục cần quy định thêm tiêu chí về tỉ lệ học sinh bị điểm ”liệt” trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vào tiêu chuẩn các danh hiệu thi đua trong Thông tư số: 35/2015/TT-BGDĐT ngày 31.12.2015 của Bộ GD&ĐT về hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành giáo dục, để các cơ sở trường học thực hiện. Có đưa tỉ lệ học sinh bị điểm” liệt” trong kỳ thi tốt nghiệp vào thi đua giáo viên, các trường phổ thông mới có thể nâng cao được chất lượng dạy và học; qua đó góp phần hạn chế được thí sinh bị điểm “liệt”; nhất là không còn thí sinh đỗ “nhầm” tốt nghiệp THPT.

Tác giả bài viết: Trần Vũ

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP