Giáo dục

Dạy theo kiểu bán bằng thì sớm muộn cũng sẽ phải đóng cửa

GS.Nguyễn Minh Thuyết nhận định, thanh niên bây giờ rất thực tế, vì thế một số trường dù có hạ điểm rất thấp cũng không tuyển sinh nổi.

Nếu dự thảo tuyển sinh 2017 được thông qua, điểm sàn vào Đại học duy trì nhiều năm qua sẽ bị loại bỏ. Điều kiện duy nhất để các thí sinh được đăng ký ứng tuyển đại học là tốt nghiệp THPT.

Chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bày tỏ sự đồng tình với tư tưởng của dự thảo.

GS.Thuyết chia sẻ: “Trên thực tế, nhiều trường tốp dưới, gồm cả công lập và ngoài công lập đã tuyển sinh ở mức điểm sàn và dưới cả điểm sàn.

Vì vậy, tôi cho rằng nếu cứ giữ mãi điểm sàn là không cần thiết, và nó không phù hợp với quyền tự chủ của các trường đại học.

Hơn nữa, đa phần thí sinh hiện nay rất thực tế nên trước khi đăng ký vào học ngành nào, trường nào, đều tìm hiểu kỹ lưỡng.

Một trường đại học mà điều kiện đào tạo kém, cơ sở vật chất không đạt nổi quy định tối thiểu như của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì thật khó để nói tới những gì xa hơn”.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: "Trường nào vẫn cứ đào tạo hời hợt, yếu kém thì sẽ dần dần không thể tuyển sinh nổi nữa". ảnh: GDVN.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia nghiên cứu giáo dục nhiều năm, GS.Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ rất thẳng thắn rằng, những trường mà không xây dựng được uy tín, sinh viên sau khi tốt nghiệp cứ thất nghiệp dài dài, thì dù có hạ điểm thấp cũng chẳng có ai vào học.

“Chúng ta thấy rằng, trên thực tế đã có nhiều sinh viên đang học trường này nhưng rồi lại bỏ hẳn để chuyển sang trường khác.

Bây giờ thanh niên rất thực tế, vì thế trường nào vẫn cứ đào tạo hời hợt, yếu kém thì sẽ dần dần không thể tuyển sinh nổi nữa, nhất là trong thời đại bây giờ thông tin lan truyền rất nhanh”, GS.Thuyết chia sẻ.

Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo, cũng đã xuất hiện các ý kiến lo lắng về chất lượng đào tạo, bởi sẽ có thể xảy ra hiện tượng vơ vét thí sinh nhưng vẫn đào tạo hời hợt, và quả bóng trách nhiệm sẽ được đá về các gia đình và đẩy ra xã hội.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: “Chất lượng phụ thuộc chủ yếu vào quá trình đào tạo, sàng lọc, chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào điểm đầu vào.

Ở các nước phát triển có hai cách tuyển sinh. Các trường lớn thường tổ chức thi tuyển rất khắt khe, thí sinh phải đạt điểm cao và đáp ứng một số điều kiện khác mới vào được.

Bên cạnh đó, có những trường chỉ yêu cầu người học có bằng tú tài (ở ta gọi là bằng tốt nghiệp THPT) là được ghi danh vào học. Trước đây, ở miền Nam nước ta cũng có những trường như vậy.

Thế nhưng ở cả hai loại trường, không phải cứ vào học rồi hết 4 hay 5 năm là được nhận bằng tốt nghiệp. Quá trình sàng lọc ở các trường đều rất khắt khe, 100 người vào đại học thường chỉ một nửa hoặc hơn một nửa lấy được bằng tốt nghiệp thôi.

Quá trình đào tạo, sàng lọc khắt khe như vậy cho nên khi nhận được bằng tốt nghiệp là các cử nhân hoàn toàn tự tin để tìm việc làm.

GS.Thuyết chia sẻ: “Trước đây, có nhiều trường hợp học sinh không đỗ trong kỳ thi tuyển sinh đại học ở Việt Nam, tự bỏ tiền đi nước ngoài học đại học.

Sau khi vượt qua được các kỳ thi, lấy được bằng và trở về, các bạn trẻ này làm việc vẫn giỏi. Đấy là nhờ quá trình đào tạo của nhà trường nghiêm túc, có tính sàng lọc cao.

Nếu các trường đại học của Việt Nam thực sự đổi mới được hoạt động đào tạo, đề cao tính sàng lọc thì chất lượng cũng sẽ được nâng lên và số người học sẽ đăng ký vào học ngày càng nhiều.

Tất nhiên khi đã xác định đào tạo nghiêm túc thì trường phải mất nhiều công sức trong một thời gian dài mới gây dựng được uy tín”.

Cần công khai điểm đầu vào của từng trường

Theo GS.Nguyễn Minh Thuyết, để thúc đẩy mạnh hơn nữa chất lượng đào tạo thì các trường đại học phải công khai điểm tuyển đầu vào, để xã hội đánh giá, người học lựa chọn. Tốt nhất là, trong đợt tuyển sinh tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố điểm tuyển của từng trường.

“Trong những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã yêu cầu các trường phải thống kê và công khai số lượng cử nhân tốt nghiệp hàng năm có tỷ lệ việc làm ra sao.

Nhiều trường đã đáp ứng yêu cầu này. Nhưng cũng cần có cách kiểm tra xem những thông tin đó chính xác, khách quan đến đâu”, GS.Thuyết nêu quan điểm

Cuối cùng, có một vấn đề cần quan tâm là việc bỏ điểm sàn vào đại học sẽ ảnh hưởng đến khả năng tuyển sinh của các trường cao đằng và trung cấp như thế nào.

GS.Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, để tìm ra một giải pháp hài hòa, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần trao đổi, thống nhất với Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

“Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng sự tồn tại của các trường đại học, cao đẳng và trung cấp phụ thuộc vào chất lượng đào tạo của các trường. Nếu dạy tốt, tỷ lệ sinh viên, học sinh ra trường có việc làm cao thì sẽ thu hút được nhiều người học.

Còn những trường yếu kém thì phải cố gắng bằng mọi cách để đổi mới ngành nghề đào tạo và nâng cao chất lượng, nếu không muốn giải thể”, GS.Thuyết chia sẻ.

Tác giả bài viết: Ngọc Quang

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP