Giáo dục

Các trường đại học đã đạp mạnh "chân phanh"?

Được coi là "chân phanh" giám sát của quá trình thực hiện tự chủ đại học song trách nhiệm giải trình đặc biệt là minh bạch thông tin của các trường ĐH vẫn là điều khiến nhiều người băn khoăn.

Công khai mà cứng hóa thành báo cáo thì hình thức là tất yếu

Trong bài tham luận về vấn đề tự chủ đại học tại Việt Nam tại hội nghị về chất lương giáo dục ĐH mới đây, ông Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương cho rằng, minh bạch thông tin là 1 trong 3 vấn đề lớn từ thực tiễn triển khai thí điểm tự chủ đại học tại Việt Nam những năm qua.

Theo ông Tuấn, hiện các trường chỉ mới cung cấp thông tin cho người học và xã hội theo các quy định "Ba công khai" mà thực tế cũng công khai chưa tốt. Còn việc công khai thông tin theo bộ tiêu chí đánh giá chất lượng giáo duc đại học thì gần như tất cả các trường chưa làm được.

Trao đổi về vấn đề này, GS Đặng Kim Vui, Hiệu trưởng ĐH Thái Nguyên thẳng thắn cho rằng, việc thực hiện Quy chế Ba Công khai trong thời gian qua phần nào có thể coi là đang "đánh lừa" xã hội. Bởi lẽ những con số công khai trên website có thể rất đẹp nhưng đi vào thực tế thì không phải như vậy.

"Chúng ta phải kiểm trả gắt gao hơn về Ba công khai" - ông Vui nhấn mạnh.

Các trường đều thừa nhận việc thực hiện Ba công khai trong thời gian vừa qua vẫn chưa tốt. Ảnh: Lê Văn.

Bình luận về ý kiến cho rằng, việc công bố các thông tin theo Quy chế Ba Công khai của các trường ĐH hiện nay vẫn còn hình thức và tập trung chủ yếu vào việc báo cáo cho Bộ là chính chứ không phải là nhằm công khai thông tin, PGS. TS. Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế, ĐHQG TP. HCM cho rằng, việc quy định cứng hóa bằng các loại biểu mẫu, báo cáo thì việc hình thức là đương nhiên.

"Chúng ta đang cứng hóa thành các loại biểu mẫu, báo cáo, trong khi đây là một hình thức nhằm giới thiệu nhà trường. Nếu chúng ta quan niệm đây là một cách giới thiệu thì chắc chắn các trường sẽ làm khác. Còn yêu cầu các trường báo cáo như vậy thành ra họ phải làm đối phó. Chuyện hình thức xảy ra là đương nhiên" - ông Phong phân tích.

Lý giải về việc Quy chế Ba công khai ban hành từ năm 2009 song không được thực hiện một cách hiệu quả thực sự trong thực tế, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do vào thời điểm đó, chưa có những quy định chi tiết giúp các trường thực hiện việc này.

"Chẳng hạn quy định yêu cầu các trường công khai mục tiêu đào tạo, chương trình nhưng khi đó chưa có Luật GD ĐH để các trường xác định mục tiêu theo định hướng nghiên cứu hay ứng dụng. Hay yêu cầu quy định công khai chuẩn đầu ra khi đó chưa có khung trình độ quốc gia nên chuẩn đầu ra nên mỗi trường làm một kiểu. Chúng ta cũng không thể kiểm soát được" - ông Ga phân tích.

Còn ông Bùi Anh Tuấn thì cho rằng, trong quá trình làm chính sách, tất yếu phải trải qua giai đoạn ban đầu "rất sơ khai" nhưng giúp các trường có thể quen với việc đó. Việc thực hiện Quy chế Ba Công khai cũng là một bước đi như vậy và đó là bước đi cần thiết.

Phải coi công khai thông tin như cách để giới thiệu nhà trường

Trả lời câu hỏi làm thế nào để tăng tính minh bạch thông tin của các trường ĐH, giúp sinh viên, phụ huynh và xã hội nói chung có thể có được thông tin chính xác từ đó tăng cường sự giám sát với hoạt động của các trường

"Chúng ta cung cấp dịch vụ thì phải nói rõ là mình cung cấp được cái gì, làm được gì, giúp được ai và ai có thể phù hợp với những cái mình đang có thì nên công bố rõ ràng" - ông Phong khẳng định.

Ông Phong cũng cho rằng, không cần tới bất cứ cơ chế giám sát nào bởi không thể có cơ chế nào giám sát được các trường mà cách tốt nhất là trao quyền tự chủ tối đa cho họ. Khi các trường được trao quyền tự chủ thì dần dần họ sẽ làm đúng bởi không làm đúng sẽ không có người học. Thị trường sẽ tự điều chỉnh bởi lẽ minh bạch thông tin là trách nhiệm đi kèm với quyền tự chủ.

Ông Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội cho rằng, công khai thông tin theo Quy chế Ba công khai là chưa đầy đủ. Ảnh: Lê Văn.

Trong khi đó, ông Bùi Anh Tuấn thì nhận định, Quy định Ba Công khai trong thời gian qua là rất cần thiết trong việc giám sát và nâng cao chất lượng của các trường ĐH. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, Quy chế Ba công khai đã không còn đầy đủ nữa bởi lẽ chưa đáp ứng được đòi hỏi của người học.

Ông Tuấn nêu ví dụ trong việc xác định chỉ tiêu đào tạo hiện nay chỉ dựa vào 2 tiêu chí là số lượng sinh viên trên giảng viên và số lượng mét vuông xây dựng của trường là chưa đầy đủ.

"Trong bối cảnh trước kia chúng ta xác định chỉ dựa vào 2 tiêu chí đó dần dần điều chỉnh. Nhưng bối cảnh bây giờ 2 tiêu chí đó cần đẩy mạnh thêm nhiều tiêu chí nữa. Chẳng hạn như tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường là một tiêu chí quan trọng cần phải xem xét" - ông Tuấn nói.

Bên cạnh đó, việc công bố thông tin không được kiểm định, thiếu cơ chế giám sát chặt chẽ có thể dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh khi các trường cung cấp không đúng về sản phẩm đào tạo của mình. "Trách nhiệm của nhà trường và cơ quan nhà nước là minh bạch hóa thông tin. Người học muốn lựa chọn ngành học nào, trường nào thì phải dựa trên việc họ có đầy đủ thông tin về ngành, trường đó" - ông Tuấn khẳng định..

Đề cập tới giải pháp tương lai, ông Tuấn cho rằng, khi các trường tiến tới tự chủ thì các quy định về Ba công khai sẽ không còn cần thiết nữa. Bởi lẽ khi đó, các trường sẽ phải công khai thông tin dựa trên các tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định.

Nếu công khai thông tin theo các tiêu chí đánh giá chất lượng của đại học thì không chỉ thông tin đầy đủ theo các tiêu chí mà còn được kiểm định bởi các trung tâm kiểm định. Khi đó, thông tin công khai sẽ đảm bảo chính xác và đầy đủ.

Xây dựng website để công khai thông tin các trường

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, hiện Bộ đang làm phần mềm để công khai toàn bộ danh sách giảng viên của các trường. Khi đó, sẽ không còn tình trạng một giảng viên nhưng thuộc biên chế của nhiều trường.

Các thông tin về cơ sở vật chất và đặc biệt là thông tin về tỉ lệ việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp cũng được công khai.

"Tất cả các tường phải công khai thông tin để xã hội nhìn vào đó các trường đó có chất lượng hay không và học phí con em họ đóng là bao nhiêu, xứng đáng hay không?" - Thứ trưởng Ga khẳng định.

Tác giả bài viết: Lê Văn

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP