Giải trí

Trần Tiến: 'Nghệ sĩ, nhất là đàn ông mà không bay bướm lãng mạn thì vất đi à?'

Nhắc đến tên Trần Tiến người ta nghĩ ngay đến hình ảnh người nhạc sĩ của du ca lãng tử với những bài hát mang đậm chất rock và đầy ngẫu hứng như: Ngẫu hứng sông Hồng, Ngẫu hứng Lý ngựa ô, Ngẫu hứng ra tòa 97, Marathon 97, Vết chân tròn trên cát, Tạm biệt chim én, Cô bé vô tư, Tóc gió thôi bay, Mặt trời bé con, Chiếc vòng cầu hôn, Lambada quê ta, Phố nghèo, Trái tim nhiều ngăn, Trần trụi 87, Chuyện 8 người qua hải quan, Nhăng nhố à, nhăng nhố ơi, Cô gái Canh Dần… Nhưng đó tất cả chỉ là bề nổi. Trần Tiến còn có một thế giới khác, một đời sống khác ngoài âm nhạc. Đó là cái mà ông gọi là “những bài ca trong bóng tối”. Những bài ca ấy cũng chưa từng được hát bao giờ.


Sài Gòn đón nhạc sĩ Trần Tiến bằng cơn mưa xối xả vào buổi chiều, nhưng mưa gió cũng không thể ngăn bước ông có mặt ở đường sách Nguyễn Văn Bình để cầm đàn hát “Trời mưa quá em ơi, bài ca tôi ướt mất rồi còn đâu”. Điều bất ngờ là Trần Tiến xuất hiện tại đây không phải để đàn để hát như một thuở “Du ca” ngày xưa. Ông xuất hiện với tư cách “nhà văn trẻ” – tác giả của cuốn sách Ngẫu hứng do chính tay ông viết

Chân dung nhạc sĩ Trần Tiến - Ảnh: Tiểu Vũ


Với khoảng thời gian ngắn cho những ngày lưu lại Sài Gòn, nhạc Trần Tiến đã dành riêng cho phóng viên báo điện tử Một Thế Giới một cuộc trò chuyện. Trong câu chuyện của Trần Tiến, có những điều rất bất ngờ, vì đây là lần đầu tiên được ông chia sẻ.

Thưa nhạc sĩ, ông đã quá nổi tiếng về âm nhạc, nhưng bây giờ lại chuyển sang làm “nhà văn” với cuốn sách đầu tay là “Ngẫu hứng” đang ra mắt bạn đọc. Phải chăng ông muốn nổi tiếng thêm?

- Trời ạ, oan cho tôi quá. Tôi nổi tiếng với âm nhạc là quá đủ rồi. Tôi không muốn mình thành nhà văn nổi tiếng nữa đâu. Cuốn sách này là do Nguyễn Quang Lập và một số anh em rủ rê tôi viết. Chuyện là Lập có nhận viết kịch bản cho một bộ phim truyền hình nói về cuộc đời tôi, nhưng nó chả biết gì về tôi cả, cho nên mới bảo tôi viết “lý lịch trích ngang” gửi cho nó. Vậy là tôi bắt đầu viết, mà viết toàn trong lúc say không đấy. Nhớ đâu viết đó không đầu, không đuôi, không cốt truyện, viết đến khi hết say thì nghỉ, rồi lúc nào say lại viết tiếp. Được phần nào tôi gửi cho Lập phần đó. Đọc xong, Lập gọi cho tôi bảo: “Cái này đâu phải lý lịch trích ngang đâu, mà là văn đấy, mày viết văn rất được”. Sau đó thì Lập đăng trên blog, Nguyễn Trọng Tạo đọc được và điện thoại khen “Mày viết hay lắm, có hồn lắm, đọc văn mày nghe “sột soạt” lắm”, nghe Tạo nói tôi cười rú. Thì ra vốn là người của âm nhạc nên văn của tôi cũng phát ra âm thanh… Khiếp không!

Mà anh đọc văn của tôi chưa? Tôi cảnh báo trước nhé. Nếu chưa đọc văn Trần Tiến, người ấy mới sống nửa đời người. Còn đã đọc xong rồi thì… chẳng còn gì để sống nữa! (cười).

Nghệ sĩ thường bay bướm, lãng mạn và đa tình, thậm chí có nhiều đời vợ nữa. Ông đã qua bao nhiêu đời vợ?

- Anh hỏi câu này hơi ác đấy, vì tôi định giấu kín không nói ra. Nghệ sĩ, mà nhất là đàn ông mà không bay bướm lãng mạn thì có mà vất đi à. Không bay bướm trăng hoa, không yêu phụ nữ thì lấy đâu ra… nhạc (cười lớn).

Tôi yêu phụ nữ nhưng lại là người rất chung thủy đấy. Nói ra sợ anh ngạc nhiên, từ xưa đến nay chỉ có duy nhất một đời vợ thôi. Kể cũng phí thật nhưng tôi đã lỡ “phải lòng vợ tôi” rồi. Đến nay 70 tuổi rồi, tôi vẫn còn phải lòng bà ấy.

Ông có thể nói một chút về mối tình của ông với bà nhà ?

- Chuyện tình của tôi cũng đơn giản thôi. Năm 1971 tôi theo đoàn ca múa nhạc vào Nam phục vụ cho những chiến sĩ ở tuyến lửa Quảng Bình, Vĩnh Linh, tôi bị sốt rét ác tính nên phải vào trại thương binh ở Quảng Bình điều trị mấy tháng nhưng không bớt nên phải đưa về miền Bắc chữa trị. Thời đó căn bệnh sốt rét thường dẫn đến vô sinh ở nam giới. Mẹ bảo phải gấp rút lấy vợ sinh con chứ tình hình này là không được. Nghe lời “đồng chí” mẹ, tôi phải tìm vợ. Mà mẹ bảo thì phải nghe lời, nếu không nghe mẹ đánh cho mà chết.

Hôm đó tôi đi hát ở rạp Đại Nam, tôi gặp cô ấy đang soát vé. Trời ạ, cô ấy xinh lắm, và tôi đã bị hạ gục từ cái nhìn đầu tiên. Tôi tìm cách làm quen và cũng rất vui khi biết cô ấy thích bài hát Cô gái Sầm Nưa của…Trần Tiến, và thế là “tán” và cưới luôn…

Năm đó vợ tôi là sinh viên năm cuối của Trường Đại học sư phạm Hà Nội. Soát vé ở rạp Đại Nam chỉ là việc sinh viên đi làm thêm để kiếm tiền thôi. Còn tôi cũng chỉ là chàng ca sĩ chưa nổi danh.

Bà Trần Thị Bích Ngà, vợ của nhạc sĩ Trần Tiến trong buổi ra mắt sách của chồng - Ảnh: Tiểu Vũ


Ông là nghệ sĩ, còn vợ ông là một nhà giáo chuẩn mực, vậy cuộc sống gia đình có sự “lệch pha” nào không ?

- Không có bất cứ sự lệch pha nào ở đây cả. Vợ tôi rất hiểu tôi, và ngược lại tôi rất thương yêu bà ấy. Nếu nói về độ “nổi tiếng” thì có khi bà nhà còn hơn tôi nữa đấy. Trong nghề giáo, bà nhà tôi nổi tiếng từ ngoài Bắc vào Nam. Anh thử đến Q.1, Sài Gòn, hỏi tên vợ tôi; cô giáo Trần Thị Bích Ngà, nguyên hiệu trưởng trường Huỳnh Khương Ninh thì ai mà không biết.

Từ khi yêu nhau, rồi cưới nhau, đến nay bước sang tuổi 70, tôi mãi mãi là “học sinh cá biệt” của vợ tôi.

Có vẻ như gia đình con cái của nhạc sĩ Trần Tiến là một “bí mật”, rất ít người biết về các con của ông. Nhạc sĩ có thể tiết lộ một chút được không?

- Ồ, có gì đâu mà tiết lộ, Tôi cưới vợ 1972, năm 1975 sinh con gái đầu lòng, vài năm sau đến cháu thứ hai ra đời. Tất cả đều là con gái. Hiện tại các con đều định cư ở Mỹ, cháu gái đầu tên Thảo đã có gia đình và sinh con. Vợ chồng chúng tôi đã trở thành ông bà ngoại rồi đấy. Các con tôi không giống bố nên… rất ngoan (cười), chúng nó có tính tự lập rất cao, chưa bao giờ xin tiền của bố mẹ. Thi thoảng các con về Việt Nam thăm vợ chồng tôi rồi lại đi.

Vợ chồng nhạc sĩ Trần Tiến cùng hai con gái (1984) - Ảnh: NS Trần Tiến cung cấp


Nghe đồn, thời ông đi hát “du ca đồng nội” ông và ca sĩ Hồng Ngọc của nhóm này yêu nhau. Thực hư câu chuyện như thế nào?

- Tôi cũng có nghe đồn như vậy, nhưng thật ra có gì đâu. Tôi và Hồng Ngọc không có bất cứ quan hệ yêu đương tình ái nào cả. Chúng tôi có tình cảm với nhau, nhưng đó chỉ là thứ tình cảm rất đẹp, là tình anh em, tình đồng nghiệp. Một thứ tình cảm rất cao quý mà tôi hết sức trân trọng. Thời đó, chúng tôi vui lắm, trong nhóm du ca có cả anh Trịnh Công Sơn nữa. Chúng tôi rong ruổi khắp nơi, cùng ăn chung ngủ chung một chổ như những người thân trong gia đình.

Nhạc sĩ Trần Tiến cùng nữ ca sĩ Hồng Ngọc của một thời "du ca đồng nội" - Ảnh: Nhạc sĩ Trần Tiến cung cấp


Năm 1987 ông viết ca khúc Trần trụi 87, đây là bài hát gây tranh cãi thời đó. Nghe nói sau đó vì ca khúc này ông bị bắt giam ở TP.HCM, phải nhờ đến một vị lãnh đạo cao cấp ở trung ương “giải cứu”. Bây giờ thì mọi chuyện đã qua rồi, chỉ là hiểu lầm thôi. Tại sao ông không kể câu chuyện này trong cuốn sách “Ngẫu hứng” của ông?

- Tôi có kể đấy chứ, ở phần 3 của cuốn sách, nhưng đến khi xuất bản thì thấy không còn nữa, chỉ còn một đoạn rất ngắn như thế này “Nhìn ông khổ bỏ mẹ. Trông mặt thế kia mà năm năm sau bị công an đuổi chạy té đái. He he…”. Phía sau dấu ba chấm là câu chuyện của tôi đấy.

Ông tiêu tiền như thế nào?

- Mỗi tháng tôi nhận tiền tác quyền đến hơn 30 triệu đồng, chưa kể tiền lương hưu của tôi và vợ cộng lại nữa. Tôi tiêu không hết. Ngoài chi tiêu sinh hoạt bình thường, tôi dành tiền cho việc từ thiện giúp đỡ người khác.

Nhân chuyện ra mắt cuốn sách “Ngẫu hứng”, xin hỏi ông có ý định viết tiếp một cuốn khác nữa không?

- Cũng xin nói rõ, cuốn sách Ngẫu hứng tôi viết hoàn toàn ngẫu hứng. Những mẫu chuyện không đầu không đuôi nhớ đâu kể đó chứ không phải là cuốn tự truyện của tôi như mọi người nghĩ. Có thể hiểu, đó là những nốt nhạc thầm lặng, những bài ca trong bóng tối mà âm thanh là những con chữ trên trang giấy, viết bằng một thứ ngôn ngữ của riêng tôi.

Nhạc sĩ Trần Tiến ký tặng sách cho độc giả trên đường sách Sài Gòn - Ảnh: Tiểu Vũ


Sắp tới tôi sẽ tự bỏ tiền túi ra để in một cuốn sách nhạc. Bên cạnh mỗi bài hát tôi sẽ viết câu chuyện kể về sự ra đời cụ thể của bài hát đó. Chưa có nhạc sĩ nào như tôi cả. Cả đời viết nhạc mà chưa từng tự ra album riêng, chưa từng tự in nhạc. Tất cả nhạc của tôi đều do ca sĩ tự làm hết. Vì vậy nhạc của tôi thường bị ca sĩ hát sai ca từ. Cụ thể như trường hợp của Đàm Vĩnh Hưng hát sai lời bài Chiếc vòng cầu hôn, nhưng đừng trách cậu ấy. Có trách thì trách tôi, bản gốc ở đâu mà đi so sánh. Tôi thấy mình cần có trách nhiệm in một tập sách nhạc gồm tập hợp những ca khúc của tôi để làm chuẩn cho các ca sĩ trình bày một cách đúng nhất.

Xem clip NS Trần Tiến hát dưới mưa Sài Gòn


Ông sáng tác rất nhiều ca khúc mà đa phần từ những ngẫu hứng, vậy bài hát nào làm cho ông cảm thấy hạnh phúc nhất?

- Tôi đã viết nhiều ca khúc, mỗi bài hát đều cho tôi niềm hạnh phúc riêng, nhưng có lẽ bài hát Nhăng nhố à nhăng nhố ơi làm cho tôi cảm thấy hạnh phúc nhiều hơn. Trong một lần du ca ở Huế, buổi tối tôi đi lang thang dọc bờ sông Hương, vô tình tôi gặp một cô gái làm nghề "bán hoa". Cô ấy cho biết cô đi làm nghề này là để kiếm tiền nuôi con. Nghe kể, tôi rất xúc động, muốn làm cái gì đó để giúp cô gái, nhưng vì tối hôm đó tôi chưa nhận thù lao nên không có xu nào trong túi. Tôi hẹn sáng mai tôi sẽ đến gặp và giúp cô một chút tiền. Đêm đó tôi cũng viết xong ca khúc Nhăng nhố à nhăng nhố ơi, sáng hôm sau nhận được tiền tôi đã mang đến cho cô một ít. Một năm sau đó tôi được tin cô gái đã lấy chồng và có cuộc sống rất ổn định. Đó cũng là điều làm cho tôi cảm thấy hạnh phúc.

Ông sinh ra và lớn lên ở miền Bắc, sau đó vào Nam, rồi du ca khắp mọi miền đất nước. Ở tuổi 70 ông chọn Vũng Tàu để ở. Phải chăng ông “đi trốn” bạn bè?

- Đơn giản thôi, tôi rất yêu những dòng sông, mà tất cả những dòng sông đều đổ về với biển. Vì thế tôi chọn biển để ở. Muốn tìm tôi hãy ra biển hỏi nước, hỏi gió, hỏi sóng, hỏi những đàn cá đang bơi. Tất cả sẽ kể với mọi người nghe câu chuyện về Trần Tiến – Câu chuyện về người nhạc sĩ du ca cuối cùng còn sót lại trên quả đất này.

Xin cảm ơn nhạc sĩ về cuộc trò chuyện này !

Tác giả bài viết: Tiểu Vũ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP