Du lịch

Miệt mài với nghề bánh mướt truyền thống xứ Nghệ

Nhắc tới xứ Nghệ người ta thường nghĩ đến các món đặc sản cháo lươn Vinh, nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn và đặc biệt là bánh mướt Diễn Châu, Đô Lương. Trong số những đặc sản ấy, bánh mướt truyền thống Diễn Châu đang ngày mỗi một nức tiếng hơn.

btb325044 1
Dù có vất vả nhưng nghề làm bánh mướt cho hiệu quả kinh tế cao

“Giữ lửa” cho nghề bánh mướt

Thoạt đầu nếu nhìn không kỹ, nhiều vị khách sẽ nhầm với loại bánh cuốn miền Bắc, tuy nhiên một lần được tận mắt nhìn và nếm thử thì sẽ dễ dàng phân biệt được. Để làm ra được chiếc bánh mướt, nhiều hộ gia đình ở xã Diễn Kim nói riêng và Diễn Châu nói chung đã phải thức khuya dậy sớm, quần quật với từng hạt gạo tẻ trắng muốt.

Bánh được làm bột gạo tẻ ngâm với nước trong nhiều giờ liền, sau đó mang đi xay nhuyễn. Trước đây, bột bánh được xay bằng cối đá nhưng hiện nay để tiết kiệm thời gian trong quá trình ngâm gạo nhiều hộ đã dùng máy để xay bột. Cũng chính vì vậy, mùi thơm đặc trưng của bánh mướt truyền thống giảm đi một phần đáng kể.

Chị Nguyễn Thị Vân, người đã có 13 năm gắn bó với nghề làm bánh mướt cho biết: “Bình thường để có bánh vào buổi sáng sớm, chị và con trai phải ngâm gạo từ 9h tối đến 3h sáng hôm sau. Chị phải dậy thật sớm để xay thành bột nếu dậy muộn quá bột sẽ chua. Khi đưa đi lắng tiếp khoảng 2 tiếng nữa rồi tiếp tục đi nhóm lửa bếp than, công việc làm tờ mờ sáng, dù mệt nhọc nhưng vẫn cố giữ được ngọn “lửa hồng” của nghề làm bánh mướt”.

Theo tìm hiểu, ở xã Diễn Kim, Diễn Châu có khoảng 3 lò bánh phục vụ cho người dân ở nơi đây. Tuy nhiên vì món ăn này ngon và rẻ nên rất nhiều chủ lò không kịp trở tay để phục vụ cho khách. Chị Bùi Thị Hằng, một người dân xã Diễn Vạn chia sẻ, mỗi chiếc bánh mướt chỉ có 500 đồng, buổi sáng người dân thường ăn khoảng 3.000 đồng là đủ no rồi. Là món ăn ngon, rẻ nên người dân rất chuộng.

Bánh mướt nghề truyền thống mang hiệu quả kinh tế cao

Nhiều chủ lò bánh mướt, đã có điều kiện kinh tế khá giả hơn nhờ bán bánh mướt. Trung bình mỗi ngày hộ gia đình chị Vân có thể làm được khoảng gần 1.000 chiếc bánh, cho thu nhập khoảng hơn 200.000đ/ngày. Ở quê chị, nhiều gia đình đã nuôi được con cái ăn học đầy đủ. Gia đình chị Vân trước đây vất vả không có tiền nuôi con ăn học, thế nhưng nhờ có nghề làm bánh mướt con trai cả của chị hiện đã tốt nghiệp đại học và đi làm, còn con trai thứ 2 đang là sinh viên đại học năm thứ nhất.

Không chỉ có lò bánh mướt của chị Vân mà khắp huyện Diễn Châu nhiều hộ gia đình đã và đang có kinh tế khá giả. Ông Nguyễn Xuân Diệu – Bí thư xóm Tiền Tiến, xã Diễn Kim cho biết: “Tuy làm nghề bánh mướt vất vả nhưng nhiều hộ gia đình ở địa phương vẫn luôn cố gắng giữ nghề, giữ hương vị truyền thống từ thời ông cha. Có chịu khó, kiên trì mới làm được nghề bánh mướt”.

Ở Nghệ An, món bánh mướt có thể ăn với xáo gà hoặc xáo lòng… rất đa dạng, bánh mướt với hầu hết người con xứ Nghệ luôn là món ăn đậm chất quê hương mà ai đi xa đều khắc khoải nhớ về.

Tác giả bài viết: KIM TĨNH

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP