Cuộc sống

Xử lý tinh tế khi bạn đời tiêu hoang

Nhận khoản tiền thưởng từ công ty, chị Hoa định mua một cái đầm diện đám cưới bạn. Đến cửa hàng ngắm xong, chị lại quay về tay không. Chị Hoa không dám mua vì sợ chồng biết vợ mới có khoản tiền thưởng, anh sẽ lại thoải mái, vô tư dẫn bạn về nhà ăn nhậu…


a3 MWAR jpg ashx
Không ít người vợ đau đầu vì chồng tiêu hoang

Không tìm hiểu thói quen chi tiêu trước khi kết hôn

Đấy là nỗi khổ của người vợ đã trút bầu tâm sự khi lấy phải ông chồng tiêu xài hoang phí. Chồng chị Hoa lương 10 triệu đồng, mỗi tháng đưa vợ 3,5 triệu đồng thì coi như mình hoàn thành trách nhiệm với gia đình.

Số tiền anh đưa chị chỉ vừa đủ trả tiền thuê một ngôi nhà nhỏ trong hẻm sâu trên đường Huỳnh Tấn Phát, TP.HCM cho gia đình 4 người sống. Khoản lương 9 triệu của chị trang trải đủ mọi chi phí, từ tiền học cho con, đến ăn uống chi tiêu cho cả gia đình, thỉnh thoảng thăm nom họ hàng nên chị không có đồng nào tiêu cho riêng mình.

Tháng nào vợ chồng cũng cãi nhau về tiền bạc. Chị Hoa đòi thêm thì anh gắt: đàn ông ra đường thì phải có tiền trong túi, phải phòng thân nhỡ xe cộ bị làm sao... Mình không hiểu ông ấy làm gì mà tiêu tốn thế, chỉ là thuốc lá, cà phê, ít bia bọt với bạn bè", chị Hoa bực bội. Có lần, anh không ra quán mà dẫn bạn bè về nhà nhậu. Bao nhiêu thực phẩm dự trữ trong tủ lạnh bị mang ra giải quyết sạch.

Nhiều lúc chị chán nản, cảm thấy tương lai mù mịt, cả đời đi ở nhà thuê, tháng nào cũng vay mượn, giật gấu vá vai, trong khi chồng vô trách nhiệm như một đứa trẻ. Giờ chị tự trách mình lúc yêu chỉ mải để ý ngoại hình, công việc, thích anh ấy ở tính ga lăng mà không biết cái sự ga lăng đó đi kèm với thói quen rỗng túi. Nhiều lúc ức quá, chị làm bài tính, ba mẹ con ra ngoài thuê nhà 1,5 triệu ở, có khi chị còn để dành được tiền hơn so với việc nhận 3,5 triệu từ chồng và lo chi tiêu toàn bộ cho anh.

Một kết quả khảo sát trên mạng mới đây cho thấy, 7% chị em không quan tâm đến thói quen chi tiêu của bạn trai trước khi cưới. Tuy nhiên, với hơn 200 người đã kết hôn được hỏi, có đến gần 30% cảm thấy ân hận vì lấy về rồi mới biết chồng là người vung tay quá trán. Điều này cho thấy một số lớn chị em đã không tìm hiểu kỹ thói quen chi tiêu của bạn trai, nên sau khi lấy về rồi mới biết và ân hận bởi chồng tiêu tiền không có kế hoạch.

Ngược lại, nhiều chị em cũng không kiểm soát được chi tiêu khiến đức lang quân của họ vô cùng đau đầu. Anh D than thở, mỗi tháng anh đưa vợ 15 triệu, lương người giúp việc anh trả luôn, vậy mà tháng nào cũng chỉ được 20 ngày là vợ kêu hết tiền và bắt anh đưa thêm.

Anh bộc bạch, bản thân không phải là người đàn ông thích soi mói vợ hay keo kiệt, nhưng thú thật từ khi cưới nhau đến giờ không tháng nào là anh không thấy vợ mua đồ mới. Có những bộ quần áo mua cả triệu bạc nhưng vợ chỉ mặc vài lần rồi cứ để trong tủ hoặc cho ai đó.

“Thực sự là tôi không tiếc tiền, làm kinh doanh tôi hiểu kiếm tiền rất khó. Cô ấy chứ chi tiêu như thế này thì thử hỏi lúc ốm đau, bệnh tật hoặc công việc khó khăn, không làm ra tiền thì lấy tiền đâu mà trang trải?” – anh ngao ngán.

a2 glbk jpg ashx
Nhiều cô vợ thích vung tiền mua sắm

Phải thấu hiểu và kiên nhẫn

Việc giải quyết những bất đồng trong vấn đề tài chính gia đình không bao giờ là dễ dàng vì nó liên quan đến rất nhiều yếu tố như quan điểm, hoàn cảnh, điều kiện sống cũng như tính cách và thói quen sử dụng tiền bạc của mỗi người.

Về mặt bằng chung thì bất kì cặp vợ chồng nào cũng vậy, tiền bạc luôn là một vấn đề khá nhạy cảm và cần sự tế nhị để giải quyết ổn thỏa cho cả đôi bên. Tuy nhiên, đây là thời điểm cần tới sự đoàn kết giữa hai vợ chồng hơn là thói quen chi tiêu cá nhân từng người.

Tìm kiếm một giải pháp để cả hai người có thể chấp nhận được đòi hỏi sự hiểu biết, kiên nhẫn và thấu hiểu trên tinh thần yêu thương và đối thoại chân thành với nhau.

Theo lời khuyên của các chuyên viên tư vấn tâm lý, đầu tiên, hai vợ chồng nên dành thời gian xem xét lại tất cả cuộc sống gia đình của mình từ nhu cầu sinh hoạt, thói quen chi tiêu cũng như các nguồn thu của gia đình. Đặc biệt, vợ/chồng cần tìm hiểu kĩ hơn về cuộc sống trước đây của người bạn đời liên quan đến việc sử dụng tiền bạc.

Sau khi suy xét lại tất cả, hai vợ chồng nên có một cuộc trao đổi thẳng thắn, cụ thể với nhau về vấn đề chi tiêu trong gia đình. Cả hai cùng phải động viên nhau và đi đến thống nhất là đưa ra giải pháp chung mà cả hai có thể chấp nhận được.

Cuối cùng, hai vợ chồng cũng nên dành thời gian tâm sự chia sẻ với nhau thường xuyên hơn để cả hai hiểu về nhu cầu, mong đợi cũng như những khó khăn mà mỗi người đang gặp phải. Cách này có thể làm vừa hài lòng người bạn đời khi vẫn được đáp ứng sở thích cá nhân của họ, còn mình lại nhận được số tiền chi tiêu thích đáng.

Để tránh đấu khẩu trực tiếp với nhau, tại sao vợ/chồng không thử viết những điều mình muốn nói ra giấy để đối phương đọc? Trong tờ giấy viết cho vợ/chồng, vừa có thể đề cập vấn đề tiền bạc một cách trực diện, vừa có thể đưa ra cách giải quyết và có thể thảo luận qua lại với nhau bằng cách tương tự mà tránh mất hòa khí.

Sẽ rất hữu ích nếu có thể nói cho vợ/chồng mình biết sự ảnh hưởng lớn của thói quen chi tiêu hoang phí ảnh hưởng lớn thế nào trong gia đình, quan trọng nhất là ảnh hưởng tới những đứa con.

Trường hợp vợ/chồng gặp khó khăn trong việc nói sao cho chồng mình hiểu vấn đề thì có thể nhờ sự giúp đỡ của các chuyên gia hôn nhân gia đình, họ sẽ có những lời khuyên khách quan hơn cho từng trường hợp cụ thể. Các chuyên gia thường cho rằng, thay đổi thói quen rất khó, nhưng để tự bản thân người đó nhận ra vấn đề và sẵn sàng thay đổi thì chuyện này lại trở nên vô cùng dễ dàng.

Tác giả bài viết: Hà Anh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP