Cuộc sống

Có mấy cuộc đời?

Tôi lấy chồng 20 năm, nhưng vỏn vẹn chỉ được 5 năm tạm gọi là hạnh phúc.

Bất hạnh của tôi không phải là chồng không yêu thương, mà vì giữa chúng tôi có quá nhiều khác biệt. Có người khuyên chúng tôi chỉ cần điều chỉnh bản thân, nhất là phụ nữ thì càng nên phải này nọ… phải biết “xác định” để giữ hạnh phúc. Cụ thể là đã có chồng thì phải biết giảm bạn bè, biết tiết kiệm để tích lũy, biết dành hết thời gian cho chồng con...

Thật ra tôi cũng đã "này nọ", cũng “xác định” đủ kiểu, cố gắng bằng mọi giá, nhưng sự cố gắng từ một phía của tôi chẳng cải thiện được gì. Cũng vì thế, sau 20 năm hôn nhân, tôi trở nên mạnh mẽ, thực tế, không mơ tưởng, không so bì, tính toán… Tất cả dồn lại hóa thành sự chịu đựng, khiến tôi cứ chực chờ “nổ tung” mỗi khi chồng tôi chạm vào những nỗi đau anh đã gây ra cho tôi.

tam ly phu nu tuoi 45 trong hon nhan 2 131355480

5 năm đầu hôn nhân, chồng tôi có công việc ổn định, thu nhập cũng khá. Sau đó vì “đứng núi này trông núi nọ”, anh bỏ việc hùn hạp làm ăn với bạn bè, thất bại. Tôi biết với người đàn ông, sự nghiệp rất quan trọng nên đã động viên chồng rất nhiều, dành cho anh cả năm trời để khuây khỏa rồi tính tiếp. Tiếc là suốt thời gian “khuây khỏa” đó anh lại lao vào cờ bạc, mất thêm 10 năm tiếp theo mới trả dứt được nợ.

Cũng vì thế, giờ mà nghe đến hai chữ nợ nần là tôi sởn cả gai ốc bởi vẫn còn ám ảnh về những ngày tháng đau khổ đã qua. Những ngày đó, trong đầu tôi lúc nào cũng quanh quẩn ý nghĩ gom tiền để trả lãi. Những giấc mơ của tôi thường xuyên có cảnh giang hồ vác dao rượt đuổi chồng tôi... Chúng tôi siết chặt chi tiêu hết mức có thể, chi li đến từng xu với con cái, để dồn hết vào việc trả lãi và nợ gốc. So với khả năng kiếm tiền khiêm tốn của vợ chồng tôi thì đó là một con số khổng lồ, đè nặng đến 10 năm.



Từ một phụ nữ dễ nhìn, chưa đầy 40 tôi đã xuống cấp trầm trọng. Vì nợ nần anh gây ra, tôi chẳng biết mình đã quên mất việc chăm sóc bản thân từ lúc nào. Tôi chẳng màng bất kỳ điều gì cho mình, chỉ mong chồng sớm xác định được tư tưởng là phải bắt đầu lại từ hai bàn tay trắng, quên được cái thời từng cầm gần 20 triệu tiền lương mỗi tháng, để dễ “khởi động” lại.

Chồng tôi còn trẻ, cơ hội vẫn còn trước mắt, nhưng anh không có chút cầu tiến, chỉ biết sáng sáng mang bàn cờ tướng ra đầu hẻm giết thời gian với mấy bác về hưu. Hỏi chuyện tìm việc làm, anh thở ra bảo nản, cầm mấy đồng lương khởi điểm thì có được gì?

Đến lúc này tôi thật sự đã không còn đủ kiên nhẫn. Thu nhập của tôi không đủ chèo chống gia đình. Tôi từng thẳng thừng với chồng: “Tại anh đánh bạc với số tiền lớn, phung phí quen rồi, giờ nhìn tiền nhỏ như cỏ rác. Sao anh không hiểu tiền đâu phải dễ kiếm, nhất là với một người chây lười, dù chỉ một đồng tiền lẻ!”. Tôi “đánh” đúng chỗ “đau”, chồng tôi sừng sộ vỗ ngực, bảo ngày xưa anh làm ra tiền nên tôi không dám khi dễ, giờ sa cơ nên tôi đổi thái độ.

Thật tình, tôi đâu phải loại người tệ bạc. Tôi đã động viên rất nhiều, tạo cho anh không ít thời gian, điều kiện để làm lại. Tôi đã căng mình làm việc gấp đôi để gánh đỡ trách nhiệm cho anh. Tôi nuốt nước mắt hàng đêm vì món nợ anh gây ra. Tôi chưa từng nghĩ đến chuyện vợ chồng đổ vỡ. Nhưng anh cứ mãi như vậy, cứ tự cho là mình đã hết cơ hội, mình thiếu may mắn, không gặp thời… mà không chịu động tay động chân trở lại.

Quẩn quanh với những ý nghĩ tiêu cực, anh trở thành một người ích kỷ. Anh ghen tuông vô vớ, như cố tình làm khó tôi, để tôi phải trung thành với người đàn ông đang “bất lực” là anh. Anh để mắt xoi mói mọi thứ, có lẽ vì không còn tự tin vào bản thân nữa. Anh muốn tôi làm kiếm tiền nhưng lại quản lý chặt thời gian và mọi quan hệ của tôi. Anh không làm nhưng vẫn muốn “hưởng”, những bữa ăn tôi dọn lên phải đủ đầy, nếu không là anh trách móc, than phiền, la mắng…

Ngày mất việc anh mới 35, cái tuổi sung mãn cả thể chất lẫn trí tuệ. Gặp khó khăn, vợ chồng phải cùng chung sức vượt qua, nếu bắt vợ một mình gồng gánh dài lâu thì liệu có người đàn bà nào chịu nổi? Tôi cũng chỉ có duy nhất một cuộc đời, không thể làm việc thay chồng, không thể chịu đựng được mãi những vô lý của anh ta.

Vốn trong tôi không hề có khái niệm ly hôn, nhưng giờ tôi lại thường xuyên nghĩ đến điều đó. Có phải tôi nhẫn tâm, ích kỷ với chồng? Có phải tôi đẩy anh vào bế tắc hoàn toàn, khi sự nghiệp không còn, vợ con ruồng bỏ? Nhưng biết làm sao khi anh nhất định không chịu đứng lên?

Tác giả bài viết: Thái Phương

Nguồn tin:

  Từ khóa: gọi là

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP