Du lịch

Chiêm ngưỡng vẻ đẹp ngất ngây Hang Bua ở đại ngàn xứ Nghệ

Hang Bua (tiếng Thái gọi là thẳm Bua) là một thắng cảnh đẹp của miền Tây Nghệ An, trên dãy núi đá vôi “Phà Én” thuộc bản Na Nhàng (Hồng tiến), xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, cách TP Vinh 170 km về phía Tây Bắc.

Tên hang được gọi theo tên bản nên có tên là Hang Bua. Hang Bua được hình thành trong quá trình kiến tạo địa tầng cách đây hàng triệu năm, từ thuở thời đất mới khai thiên lập địa. Xưa kia, nơi đây là vùng đất trù phú, người dân được thần núi che chở nên cuộc sống yên bình, no ấm, hạnh phúc.

Hang Bua là một thắng cảnh tự nhiên gắn với truyền thuyết lịch sử, phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa của của đồng bào dân tộc Thái xưa và là một trong những di tích khảo cổ ở Nghệ An chứa đựng dấu tích văn hóa của nhiều thời đại. Trong lớp trầm tích tìm thấy ở hai cửa hang trước và sau có hóa thạch các loài động vật giống như hóa thạch động vật đã được phát hiện ở Thăm Ồm và các hàng động khác trong vùng, đó là: tê giác, hươu nai, lợn rừng, cheo chèo…

Đặc biệt, những người dân địa phương còn nhặt được trong hang hai chiếc rìu đá - loại công cụ đặc trưng của con người thời kỳ đồ đá mới hậu kỳ. Hang Bua là nơi giao hòa, gặp gỡ của đất trời, là vẻ đẹp kỳ vĩ mà tạo hóa ban tặng cho con người. Trong hang còn lưu giữ nhiều hình khối kỳ thú, tượng trưng những huyền thoại đặc sắc như Thần Núi (Phí - Nu - Phá - Hủng) và thần nước (Phí - Nặm - Huồi - Hạ) giao tranh. Chuyện tình Tạo Khủn - Tinh và Nàng Ni (Nàng Ni vào hang tìm và chờ đợi người yêu cho đến khi hóa đá)…

Đến Hang Bua, chúng ta sẽ cảm nhận được vẻ đẹp của phong cảnh sơn thủy hữu tình, núi sông, cỏ cây xanh ngát một màu. Cửa chính hang Bua quay mặt về hướng Nam, phía trước là thung lũng Chiềng Ngam rộng lớn, với những bản làng của người Thái sầm uất, yên vui. Đây cũng là nơi gặp nhau của 3 con sông: Sông Quàng, sông Việt và sông Hạt để rồi hợp lưu thành sông Hiếu thơ mộng uốn mình chảy qua các huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn đổ về song Lam cùng xuôi ra biển Đông.

Khí hậu nơi đây mát mẻ, cây cối tốt tươi muôn sắc, muôn loài muông thú tụ họp về đây. Hang Bua có 3 cửa: Cửa chính, cửa phụ và cửa sau. Cửa chính và cửa phụ có hình bông hoa sen nên còn được gọi là “Boọc Bua”. Diện tích hang rộng, có thể chứa được hàng trăm người nhảy múa, hát hò. Vào sâu trong hang, ta sẽ được chiêm ngưỡng sự kiến tạo tuyệt vời của tạo hóa: Những hình thù kỳ lạ, những mô đá hình người và những dụng cụ sinh hoạt thời xưa của cư dân Thái như bó lúa, cái liềm…Người xưa kể rằng, trong một trận đại hồng thủy, con người đã vào hang trú ngụ, họ cùng nhau ca hát, nhảy múa, đánh cồng chiêng, thổi sáo để không ngủ gật, như thế sẽ không bị hóa đá theo lời nguyền.

Không chỉ là một thắng cảnh đẹp, Hang Bua còn nổi tiếng với hoạt động văn hóa lễ hội sôi động vào đầu xuân. Lễ hội hang Bua có từ lâu đời, đến nay chưa thấy có tài liệu nào cho biết chính xác thời gian ra đời của lễ hội. Nhưng chắc chắn rằng, những nghi thức tín ngưỡng dân gian mà người dân địa phương tiến hành trước hang Bua tạo nên “Hồn cốt” của các lễ nghi sau này, cũng như tục trai gái đầu xuân rủ nhau đi chơi và tình tự trong hang là gốc gác của phần hội.

Dưới đây là một số hình ảnh đẹp ngất ngây của Hang Bua ở đại ngàn xứ Nghệ do PV Dân trí ghi lại:

Hang Bua nhìn từ ngoài là một hòn núi lớn...
Hang Bua nhìn từ ngoài là một hòn núi lớn...
Hang Bua nhìn từ trong ra.
Hang Bua nhìn từ trong ra.
Thiên đường Hang Bua ở miền Tây xứ Nghệ.
Thiên đường Hang Bua ở miền Tây xứ Nghệ.

Tác giả bài viết: Nguyễn Duy

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP