Bạn cần biết

8 kỹ năng sinh tồn có thể cứu sống bạn khi bị mắc kẹt nơi hẻo lánh

Nếu không may rơi vào cảnh một mình nơi hoang vắng, áp dụng những kỹ năng sinh tồn sẽ giúp bạn an toàn và sớm tự giải cứu cho mình.

Những ngày qua, dư luận xôn xao trước sự việc bà Nguyễn Thị Bích Liên (59 tuổi, Hà Nội) được cứu sau 7 ngày mắc kẹt tại mép vực phía Tây Nam thuộc đỉnh chùa Đồng, Khu di tích Yên Tử (Tp.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh).

Bên cạnh sự may mắn, không thể không kể đến những khắc nghiệt, khổ cực mà người phụ nữ này đã trải qua. Bà Liên kể, khi lượng thực cạn dần, bà đã bẻ thân, rễ cây dương xỉ, cây rừng xung quanh với "cảm giác cây gì ăn được thì cố gắng ăn" và vận dụng mọi kiến thức sinh tồn để duy trì sự sống.

Từ đó có thể thấy nếu có một nền tảng kiến thức về kỹ năng sinh tồn thì bạn hoàn toàn có thể giữ an toàn cho bản thân đồng thời hạn chế tối đa rủi ro nếu lâm vào cảnh một mình nơi hoang vắng. Cụ thể những kỹ năng sinh tồn cơ bản bạn nên biết là:

Lấy nước từ cây

Bọc túi nylon xung quanh cành cây hướng về phía ánh nắng, hơi nước sẽ đọng lại trong túi cho bạn nước sạch để uống.

Các nhà khoa học đã chỉ ra một người có thể nhịn ăn trong 3 tuần mà vẫn sống sót nhưng chỉ có thể không uống nước trong 3-4 ngày. Vì vậy, một trong những điều đầu tiên bạn cần nghĩ đến khi bị lạc nơi hoang dã là tìm nguồn nước uống. Bạn có thể bọc túi nylon xung quanh cành cây hướng về phía ánh nắng, hơi nước sẽ đọng lại trong túi cho bạn nước sạch để uống. Ngoài ra nước mưa, tuyết và sương là những nguồn nước sạch đáng tin cậy mà không cần phải được tinh lọc.

Làm ấm cơ thể bằng màng xốp hơi và lá cây

Luôn mang theo màng xốp hơi khi đi cắm trại ở vùng lạnh giá là một mẹo sinh tồn quan trọng. Với khả năng cách nhiệt tốt, nó giúp bạn giữ ấm cơ thể. Bạn cũng có thể dùng lá cây cho mục đích này. Hãy trải lá cây khô lên các bề mặt mà bạn định nghỉ ngơi.

Tìm thức ăn gần nguồn nước

Nguồn nước tốt là nơi bạn sẽ tìm thấy nhiều loại thực vật hoang dã ăn được. Tuy nhiên, bạn phải thử xem nó có độc không rồi hãy ăn. Nguyên tắc cần nhớ là:

-Chà xát cây trên da. Dừng lại và đợi vài giờ để xem da của bạn phản ứng như thế nào với cây (lá cây hoặc quả có khiến da phát ban hay bong tróc không). Sau đó, chà vào môi và chờ đợi. Nếu bạn cảm thấy bất kỳ cảm giác châm chích nào, hãy tránh xa nó. Đợi 12 giờ hoặc lâu hơn và xem bạn có cảm thấy bị bệnh hay không.

-Cắn nhỏ hoặc nuốt. Đợi 24 giờ để xem bạn có gặp vấn đề về dạ dày hay không. Sau tất cả những điều đó, nếu mọi thứ đều tốt, có lẽ loại cây đó sẽ ổn khi ăn.

Biết cách tạo lửa

Khi bị lạc ở nơi hoang vắng và không có bật lửa, hãy học cách tạo ra nó từ các vật dụng sẵn có. Ảnh minh họa.

Lửa vô cùng quan trọng trong vùng hoang dã để tránh thú dữ, nấu thức ăn, sưởi ấm, phơi quần áo hoặc tạo tín hiệu. Nếu không có bật lửa hãy học cách tạo ra nó. Đá lửa và gỗ mục là cách tạo lửa nguyên thủy phổ biến, là một trong những kỹ năng sinh tồn bạn hoàn toàn có thể học được. Ngoài ra bạn cũng có thể tạo ra lửa từ bất kỳ thứ gì kể cả chai nước, kính râm hay pin dự phòng.

Ngủ trên các bề mặt cao

Nếu trời sắp tối, bạn không nên tiếp tục hành trình mà hãy tìm bề mặt cao ráo để nghỉ ngơi. Tốt nhất là tìm được hang động an toàn, tránh mưa gió. Đừng nằm trực tiếp lên mặt đất kẻo bị hạ thân nhiệt.

Mẹo tránh côn trùng

Cọ xát bàn tay với lá thông hay sả có thể giảm nguy cơ bị côn trùng nguy hiểm tấn công vì tinh dầu từ những loại cây này khiến côn trùng sợ hãi, tránh xa.

Mẹo lội suối an toàn

Khi lội suối hãy nhớ luôn hướng mặt về phía dòng chảy (ngược dòng).

Nếu phải lội nước, bạn nên lội nơi nước hơi sâu nhưng dòng chảy chậm còn hơn chỗ nước nông hơn nhưng chảy xiết. Nên băng qua những khúc sông ít ngoằn ngoèo, uốn lượn.

Ngoài ra luôn hướng mặt về phía dòng chảy (ngược dòng), giữ tư thế hơi cúi người về phía trước, dang rộng hai chân bằng vai, đồng thời hạ thấp đầu gối một chút để giữ cân bằng và luôn cầm theo gậy để thăm dò độ sâu đồng thời hạn chế trơn trượt nếu bạn lội nước một mình.

Dùng lá cây ướt để cầu cứu

Để thoát khỏi nơi hoang dã trong khi gần nơi bạn bị mắc kẹt không có người, có thể tạo khói để báo hiệu cầu cứu. Đốt lá cây ướt là cách để tạo ra khói nhiều nhất.

Hãy xếp thành 3 mớ bùi nhùi chất dễ cháy để tạo ra 3 luồng khói tách biệt nhau. Như vậy, nếu người trên máy bay trực thăng hay tàu thuyền nhìn thấy sẽ không nghĩ là cháy rừng. Bên cạnh đó, hình ảnh 3 cột khói là tín hiệu cầu cứu theo quy ước của thổ dân Mỹ và hướng đạo sinh.

Tác giả: Minh Hoa (t/h)

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP