Số hóa

7 phát minh bị chê cười làm thay đổi thế giới

Bóng đèn sợi đốt, máy bay hay máy tính cá nhân... là những sáng chế bị nhiều người hoài nghi trước khi làm thay đổi thế giới.

Trong lịch sử phát triển, từng có nhiều phát minh làm thay đổi cuộc sống của con người mãi mãi. Tuy nhiên, không phải phát minh nào cũng nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng. Dưới đây là 7 sáng chế khi mới ra đời đã phải chịu không ít sự hoài nghi lẫn chê bai trước khi trở nên cực kỳ phổ biến và hữu ích sau này.

Những chiếc bóng đèn “vô tội” từng bị hiểu nhầm thành lửa ma trơi trong quá khứ.


Năm 1878, khi Thomas Edison bắt tay vào nghiên cứu bóng đèn điện, mọi người tỏ ra thờ ơ, không mấy quan tâm. Một ủy viên của Nghị viện Anh từng phát biểu: “Bóng đèn của Edison chỉ hữu dụng ở bờ bên kia Đại Tây Dương mà thôi. Chúng sẽ không bao giờ nhận được sự chú ý từ người dân cũng như các nhà khoa học ”.

Thậm chí, người đứng đầu ngành Bưu chính nước Anh còn tin rằng, ánh sáng mà chiếc bóng đèn tỏa ra đích thị là những đốm lửa ma trơi trong bãi tha ma.

Cà phê

Cà phê từng một thời nằm trong danh mục hàng cấm tại nhiều quốc gia Trung Đông.


Cà phê được sử dụng lần đầu bởi các tín đồ Hồi giáo dòng Sufi nhằm giữ họ tỉnh táo khi cầu nguyện vào ban đêm.

Khi được phổ biến rộng rãi tới người dân tại Trung Đông, thức uống này được xem như phép thần khi giúp mọi người có nhiều thời gian hơn để làm việc, vui chơi, giải trí, sáng tạo...

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian những năm 1500, mọi người bắt đầu tránh xa cà phê vì những lý do khác nhau. Món đồ uống “quốc dân” này bị lên án vì gây ra chứng say tạm thời, thậm chí một số người còn cho rằng nó là nguyên nhân của một số bệnh phổ biến. Ngoài ra, những tiệm cà phê bị đánh đồng là nơi hội họp của các nhóm phản động.

Ngày nay, cà phê đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Những hãng cà phê danh tiếng còn cho ra mắt các sản phẩm kết hợp giữa cà phê và đồ uống có ga nhằm mang đến trải nghiệm mới mẻ cho người sử dụng.

Máy bay

Vũ khí quân sự lợi hại này từng bị xem là món đồ chơi.


Anh em nhà Wright trở nên cực kỳ nổi tiếng kể từ khi chiếc máy bay đầu tiên cất cánh thành công vào năm 1903.

Năm 1911, Ferdinand Foch, đại tướng, Tư Lệnh Đồng Minh của Pháp trong Thế chiến thứ nhất cho rằng: “Máy bay chỉ là thứ đồ chơi khoa học. Chúng chẳng có chút giá trị quân sự nào cả”.

Chưa đầy một thập kỷ sau đó, chiếc thủy phi cơ Curtiss đã thực hiện chuyến bay đầu tiên xuyên qua Đại Tây Dương từ Newfoundland đến Bồ Đào Nha. Tiếp nối thành công, những chiếc UAV (máy bay không người lái) ra đời, mở ra một trang mới về lịch sử không quân.

Ô

Đầu những năm 1750, mọi người không ngừng thóa mạ, chê bai khi thấy ai đó sử dụng ô trên đường phố xứ sở sương mù Anh Quốc.


Mặc dù có nguồn gốc từ Trung Quốc thế kỷ 11, nhưng xuyên suốt quá trình phát triển, chiếc ô thường gắn liền với hình ảnh người phụ nữ, là phụ kiện không thể thiếu của phái đẹp khi ra ngoài.

Vì vậy, khi Jonas Hanway - nhà du hành người Anh trở về từ Pháp với chiếc ô trên tay, ông đã bị những người xung quanh nghi ngờ về giới tính. Thậm chí, những người đánh xe ngựa nhiều lần cố ý dùng còi, xô ngã Jonas chỉ vì ông dùng ô.

Mất một thời gian khá lâu sau, chiếc ô mới trở nên phổ biến hơn cho cả hai giới.

Máy tính cá nhân

Từng có thời điểm, con người e dè và sợ sệt những chiếc máy vi tính.


Trong cuốn “Phụ nữ và Máy tính” xuất bản năm 1996, xuất hiện thuật ngữ “computerphobia” - chứng sợ máy tính. Tác giả cho rằng phụ nữ khi mắc chứng bệnh này thường có mối lo sợ trở thành “nô lệ” của công nghệ, gặp phải những khó khăn nhất định khi tiếp xúc, tìm hiểu về thiết bị hiện đại này.

Trải qua 2 thập kỷ, thế giới chứng kiến sự phát triển vượt bậc của công nghệ, từ trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo tới các sản phẩm thông minh. Các công ty công nghệ hàng đầu đã có những thay đổi quan trọng, giúp máy tính nói riêng và những thiết bị công nghệ nói chung trở nên trực quan và thân thiện hơn với người dùng.

Taxi

Hiếm ai biết rằng, việc đi taxi những năm 1900 giống như chơi một canh bạc. Chính phủ không có cơ chế quản lý nào với những chiếc xe này. Người dùng phải trả bất cứ giá nào mà cánh tài xế yêu cầu, không phụ thuộc quãng đường cũng như chất lượng phục vụ. Mọi chuyện chỉ thay đổi vào năm 1907 với cuộc cách mạng vận tải của Harry N. Allen.

Doanh nhân 30 tuổi này cùng người bạn của mình bị tài xế tính giá 5 USD cho quãng đường dài 1,2 km. Sau một loạt các vụ kiện không đi tới đâu, ông quyết định trả thù bằng cách mua 65 chiếc Darracq xuất xứ từ Pháp và thành lập đội xe taxi của riêng mình. Việc làm ăn trở nên vô cùng thuận lợi, khiến chuyện tính giá bừa bãi cũng dần biến mất.

Allen cũng là người đầu tiên sơn taxi màu vàng, sau khi nhận ra rằng màu vàng là màu dễ nhận biết nhất từ khoảng cách xa.


Năm 2015, trung bình mỗi ngày taxi truyền thống ở New York nhận được 400.000 lượt khách, gấp đôi doanh số của cả Uber và Lyft cộng lại.

Vắc-xin


Bệnh nhân phản đối việc sử dụng vắc-xin thay vì xếp hàng để được tiêm chủng.


Năm 1870, khi bệnh đậu mùa hoành hành ở Mỹ, các nhà khoa học kêu gọi người dân tham gia các chiến dịch tiêm chủng phòng ngừa. Tuy nhiên, một nhóm nhỏ trong số đó thể hiện thái độ chống đối, ủng hộ quyền tự do cá nhân, cho rằng việc tiêm vắc-xin là tự nguyện, không nên bắt buộc.

Các cuộc tranh luận xung quanh hoạt động tiêm chủng vẫn tiếp diễn tới tận ngày nay, mặc dù trong thực tế tác dụng của vắc-xin và những nỗ lực để thúc đẩy sức khỏe cộng đồng của nó là không thể phủ nhận.

Tác giả bài viết: Trần Tiến

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP