Xã hội

7 con hổ sau một tháng chuyển vào Quảng Bình giờ ra sao?

Sau một tháng tiếp nhận chăm sóc, 7 con hổ đến nay đều khỏe mạnh và đang được các nhân viên, chuyên gia lên kế hoạch cho làm quen dần với môi trường tự nhiên.

Sau một tháng chuyển từ Nghệ An vào Quảng Bình, 7 cá thể hổ đều phát triển tốt, ăn hết khẩu phần định mức.


Trao đổi với chúng tôi, anh Hoàng Mạnh Hùng – Phó Trưởng phòng cứu hộ động vật, Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật (Vườn Quốc Gia Phong Nha-Kẻ Bàng) - người trực tiếp cùng các cán bộ, chuyên gia chăm sóc và nuôi dưỡng 7 con hổ Đông Dương cho biết: để đảm bảo sức khỏe cho 7 cá thể hổ này, từ thời điểm tiếp nhận luôn có 4 người thay phiên nhau chăm sóc và túc trực theo dõi 24/24. Trong đó, 3 người thuộc Trung tâm và 1 chuyên gia của Tổ chức động vật Châu Á (viết tắt là AAF).

“Khẩu phần ăn cho hổ thì được chia làm hai lần sáng và chiều, buổi sáng thì có thịt bò, xương bò và thịt thỏ được chia xen kẻ nhau giữa các bữa, còn bữa chiều thì cho ăn thịt gà. Thời gian đầu, Trung tâm cũng đang áp dụng khẩu phần ăn cho các cá thể hổ như ở Vườn Quốc gia Pù Mát để đảm bảo sức khỏe ở môi trường chăm sóc mới. Tại Trung tâm cứu hộ, 7 cá thể hổ luôn được 4 người theo dõi 24/24.” anh Hùng cho biết.

Qua trình chăm sóc, các nhân viên phải hiểu được sở thích, tính nết từng con để có biện pháp theo dõi, cho ăn hợp lý.


Tổ chức động vật Châu Á là đơn vị hỗ trợ Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng trong công tác chuyên môn, quy trình cũng như kỹ năng cho các nhân viên về chăm sóc và nuôi dưỡng động vật hoang dã. Do đó, sau khi Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật tiếp nhận chăm sóc 7 con hổ, ngoài hỗ trợ về kinh nghiệm chăm sóc, vấn đề chuồng trại thì các chuyên gia của tổ chức này cũng đang lên kế hoạch làm giàu môi trường cho hổ, để hổ làm quen dần với môi trường tự nhiên.

“Về cơ bản, sau quá trình 1 tháng chăm sóc, sức khỏe của 7 cá thể hổ đến nay vẫn ổn định, ăn uống hết định mức cung cấp. Khác với mô hình chuồng được xây bằng tường kín ở Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Vườn Quốc gia Pù Mát, thì chuồng ở đây xây mở để hổ thích nghi dần với môi trường tự nhiên. Ngoài ra, các chuyên gia của tổ chức AAF cũng đang xây dựng phương án làm giàu môi trường cho hổ trong chuồng trại như: Cho hổ làm quen với một số lá cây rừng, đưa thêm một số cành, nhánh vào cho hổ bớt nhàm chán, căng thẳng ở môi trường mới.” anh Hoàng Mạnh Hùng chia sẻ.

Theo Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng Phạm Hồng Thái, để chăm sóc 7 cá thể hổ này lâu dài, phía Vườn đã chuẩn bị cơ sở chuồng trại để nuôi cách ly, kiểm dịch và xây dựng quy trình kỹ thuật cứu hộ hổ, khẩu phần thức ăn cho hổ, bảo đảm phù hợp với tập tính sinh thái theo từng giai đoạn sinh trưởng của hổ và phù hợp điều kiện thực tiễn địa phương. Đồng thời, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng cũng đang lên kế hoạch xây dựng khu nuôi bảo tồn lâu dài cho những “chúa sơn lâm” này trong thời gian tới.

“Sau một tháng tiếp nhận và chăm sóc, đến nay 7 cá thể hổ đang phát triển tốt cũng như thích nghi dần với môi trường rừng núi xung quanh. Về kế hoạch lâu dài, phía Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng cũng đang xin lên ý tưởng, xin ý kiến của UBND tỉnh về việc nghiên cứu vị trí xây dựng khu bảo tồn cho 7 cá thể hổ này, diện tích trung bình khoảng 300m2/cá thể hổ.” ông Phạm Hồng Thái cho biết.

Các chuyên gia của tổ chức AAF đang lên kế hoạch bước đầu cho hổ làm quen với một số lá cây rừng, cành, nhánh...


Như đã đưa tin, 7 con hổ này là tang vật trong một chuyên án vận chuyển động vật hoang dã được Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Nghệ An phá thành công vào ngày 1/8/2021.

Thời điểm này, 7 con hổ khoảng 40 ngày tuổi có trọng lượng con lớn nhất là 4,5 kg và nhỏ nhất là 2,9 kg. Toàn bộ những con hổ này sau đó được lực lượng chức năng bàn giao cho Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã thuộc Vườn Quốc gia Pù Mát (tỉnh Nghệ An) để tiếp nhận, chăm sóc.

Sau hơn nửa năm chăm sóc, 7 con hổ đều khỏe mạnh, con nặng nhất nặng 64 kg và nhỏ nhất là 56 kg. Tuy nhiên, do các điều kiện về cơ sở vật chất, 7 con hổ sau đó được chuyển vào Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật (Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng) để phù hợp việc chăm sóc, nuôi dưỡng về lâu dài.

Tác giả: Bảo Thiên

Nguồn tin: Báo PLVN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP