Xe

7 bộ phận trên xe ô tô cần bảo dưỡng sau khi đi mưa

Sẽ sai lầm nếu quan niệm chỉ làm sạch, bảo dưỡng xe ô tô sau khi đã qua mùa mưa nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí. Khi đi mưa, các loại bùn đất, nước bẩn sẽ bám gây hư hỏng cho nhiều bộ phận trên xe.

Cần bảo dưỡng xe ngay sau mỗi lần đi mưa, đặc biệt là các bộ phận dưới đây.

1. Gầm xe

Gầm xe là bộ phân bị ảnh hưởng lớn nhất từ nước mưa, bùn đất bẩn gây gỉ sét, hư hỏng.

Với những mẫu xe mới, gầm xe sẽ được phủ một lớp sơn hoặc hóa chất chống ăn mòn. Tuy nhiên, theo thời gian sử dụng lớp phủ này giảm khả năng bảo vệ.

Nếu lớp phủ này đã bị lão hóa, hãy thay thế một lớp phủ gầm mới để bảo vệ tốt hơn. Hầu hết trung tâm chăm sóc ôtô chuyên nghiệp hiện nay đều cung cấp dịch vụ này với chi phí không quá cao.

2. Cần gạt nước

Cần gạt nước là bộ phận quan trọng khi đi mưa, nhưng chi tiết này lại ít được quan tâm bảo dưỡng.

Sau một thời gian dài không sử dụng, có thể cần gạt nước đã không còn hoạt động hiệu quả. Lỗi thường xuyên gặp nhất trên cần gạt nước là lưỡi cao su lão hóa, mất khả năng đàn hồi và không thể gạt sạch nước. Vì vậy, nên kiểm tra vào bảo dưỡng chi tiết này để đảm bảo khả năng quan sát khi lái xe trong mưa.

Các nhà sản xuất khuyến cáo nên thay cần gạt sau 12 - 18 tháng sử dụng để đảm bảo luôn trong tình trạng tốt nhất.

3. Hệ thống phanh

Ở vị trí thấp nên hệ thống phanh của ô tô dễ dàng bị bùn đất và nước bẩn xâm nhập. Nước mưa bẩn có axít sẽ khiến phanh xe bị gỉ sét. Hiện tượng điển hình là kẹt cứng phanh tay do để lâu ngày sau khi đi mưa, hay phanh đĩa nhả chậm do khớp di động của yên phanh bị gỉ sét.

4. Hệ thống dây cu-roa

Do khoang động cơ nơi chứa dây cu-roa không kín hoàn toàn nên khi đi mưa bùn đất nước bẩn có thể lọt vào bên trong gây nên hiện tượng trượt đai.

Ngoài tiếng rít gây khó chịu, hiện tượng trượt đai xảy ra nhiều khiến không đủ sức kéo máy nén điều hòa, trợ lực lái hoặc máy phát điện.

Nếu phát hiện dây cu-roa bị bám bùn, đất bẩn người dùng có thể lau sạch dây đai và bánh đai bằng khăn sạch. Lưu ý, chỉ làm công việc này khi động cơ đã nguội.

5. Thước lái

Thước lái là bộ phận dễ bị nước lọt vào sau khi xe đi mưa. Nêu kiểm tra tình trạng hư hỏng chụp bụi như rách, thủng, lỏng... Nếu nghi ngờ có nước lọt vào thước lái tốt nhất nên mang xe tới các trung tâm bảo dưỡng xe để được kiểm tra.

6. Đèn pha

Tương tự thước lái, nước mưa cũng có thể lọt vào đèn pha nếu có khe hở. Vì vây, sau khi đi mưa nên kiểm tra đèn pha nếu thấy hiện tượng đọng sương nên bật đèn trong 10 phút và theo dõi. Nếu hiện tượng đọng sương vẫn còn thì nên đưa xe đến các trung tâm bảo dưỡng xe gần nhất để kiểm tra.

7. Lốp xe

Trời mưa đường sẽ trơn trượt hơn, nếu di chuyển bằng một chiếc lốp quá mòn sẽ tăng nguy cơ mất an toàn. Lốp đã mòn khả năng tăng/giảm và hành trình phanh dài hơn nhiều so với bình thường. Và hai tiêu chí này sẽ còn giảm gấp nhiều lần trong điều kiện đường trơn trượt.

Chính vì vậy, nên kiểm tra lốp xe thường xuyên, tốt nhất là vào đầu mùa mưa.

Tác giả: Ngọc Anh (Tổng hợp)

Nguồn tin: Báo Nghệ An

  Từ khóa: bảo dưỡng xe ,xe ô tô

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP