Trong nước

69 văn bản trái pháp luật, nhiều quy định chi tiết "nợ" cả năm

Bộ Tư pháp kiểm tra và phát hiện, có kết luận, kiến nghị xử lý đối với 69 văn bản trái pháp luật về thẩm quyền, nội dung, 5 văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật.

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ ba, chiều 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, công tác xây dựng luật, pháp lệnh để triển khai thi hành Hiến pháp tiếp tục Chính phủ được quan tâm thực hiện. Tính từ ngày 1/10/2020 đến ngày 26/8/2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ có nhiệm vụ xây dựng, ban hành 99 văn bản quy định chi tiết; đến nay, đã ban hành 91/99 văn bản. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ còn có nhiệm vụ xây dựng, ban hành 55 văn bản quy định chi tiết 5 luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày báo cáo của Chính phủ tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quốc hội

Cũng trong khoảng thời gian trên, Bộ Tư pháp đã kiểm tra theo thẩm quyền 3.393 văn bản, phát hiện và có kết luận, kiến nghị xử lý đối với 69 văn bản trái pháp luật về thẩm quyền, nội dung, 5 văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật.

Báo cáo cũng thẳng thắn nêu việc ban hành văn bản quy định chi tiết để có hiệu lực đồng thời với văn bản được quy định chi tiết vẫn chưa được thực hiện triệt để, vẫn còn tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng chỉ rõ, trong số những văn bản quy định chi tiết đã ban hành, có 36 văn bản được ban hành đúng thời hạn (chiếm 39,56%) và 55 văn bản ban hành chậm (chiếm 60,44%); trong đó, văn bản chậm ban hành lâu nhất là 1 năm 5 tháng, văn bản chậm ban hành ít nhất là 4 ngày, số văn bản chậm nhiều nhất là Nghị định (35/55 văn bản); cơ quan chậm ban hành thông tư nhiều nhất là 7 văn bản.

“Có những luật được ban hành và có hiệu lực từ năm 2019 nhưng đến nay vẫn nợ ban hành văn bản quy định chi tiết. Còn tình trạng giao quy định chi tiết nhưng lại ủy quyền tiếp” – ông Hoàng Thanh Tùng nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quốc hội

Ủy ban Pháp luật cũng đánh giá vấn đề xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan để xảy ra chậm trễ trong việc triển khai thi hành, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành chưa nghiêm túc, chưa bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong thực thi nhiệm vụ. Báo cáo chưa chỉ ra cụ thể việc xem xét xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu đã thực hiện như thế nào.

Đối với 5 luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022 và các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, 2022, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ chỉ đạo ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản quy định chi tiết; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để khi Luật có hiệu lực được thực thi nghiêm túc.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các cơ quan cần rà soát lại báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 67/2013/QH13 của Quốc hội về việc tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ hai về tình hình thực hiện Nghị quyết đặc thù của các địa phương và cơ chế, chính sách đặc thù của một số ngành, đơn vị, địa phương và báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV./.

Tác giả: Ngọc Thành

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP