Xã hội

6 tháng năm 2019, cả nước xảy ra 156 vụ cháy rừng

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 6 tháng đầu năm 2019, cả nước xảy ra 156 vụ cháy rừng với diện tích rừng bị cháy 930 ha, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm trước.

Ông Phạm Văn Điển - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiêp - cho hay, 6 tháng đầu năm 2019 cháy rừng diễn ra rất phức tạp, nhất là đối với các tỉnh phía Bắc và miền Trung. Cụ thể, cả nước đã xảy ra 156 vụ cháy rừng, số vụ cháy rừng tăng 61 vụ (tăng 64%) so với cùng kỳ năm 2018, diện tích rừng bị cháy 930ha, tăng 705ha (hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2018). Thời kỳ cao điểm xảy ra cháy rừng từ ngày 26/6 đến ngày 01/7 trên địa bàn các tỉnh miền Trung, trong đó có 45 vụ cháy gây thiệt hại tới rừng, gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên. Diện tích rừng bị thiệt hại ước tính sơ bộ khoảng 293ha (có 14 vụ chưa xác định diện tích rừng bị thiệt hại).

"6 tháng năm 2019, thời tiết có nhiều dị thường, nắng nóng đến sớm, khô hanh kéo dài, nguy cơ cháy rừng luôn ở cấp cao. Mặc dù các địa phương và toàn lực lượng kiểm lâm đã có nhiều biện pháp cảnh báo, phát hiện sớm và xử lý chữa cháy kịp thời, song cháy rừng vẫn xảy ra ở một số địa phương, đặc biệt là ở các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và khu vực miền Trung vừa qua”, ông Nguyễn Văn Điển cho hay.

6 tháng năm 2019, cả nước xảy ra 156 vụ cháy rừng

Thông tin thêm về những vụ cháy rừng xảy ra tại một số tỉnh miền Trung mới đây, ông Đỗ Quang Tùng - quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm - cho biết, diện tích rừng thiệt hại chủ yếu là rừng trồng. Trong số diện tích rừng bị cháy thì 40% là của chủ rừng là các hộ. Đây cũng là vụ cháy rừng đầu tiên tại Việt Nam phải di dời người dân và các công trình công cộng.

Nhận diện những thách thức còn tồn tại trong thời gian tới, ông Nguyễn Quốc Trị - Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp - cho hay, theo dự báo khí tượng thủy văn, hiện có 3 tỉnh đang đối diện với nguy cơ cháy rừng cấp 5. Đề nghị Cục Kiểm lâm có phương án, xây dựng cảnh báo, dự báo tình hình, từ đó có giải pháp thực hiện tốt công tác phòng chống cháy rừng, và đặc biệt là chữa cháy rừng.

Cũng theo Tổng cục Lâm nghiệp, về dịch vụ môi trường rừng, cả nước đã thu được 1.208,7 tỷ đồng, đạt 38,7% kế hoạch thu năm 2019, bằng 111% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, quỹ trung ương thu được 821,8 tỷ đồng, đạt 37% kế hoạch năm 2019, bằng 109% so với cùng kỳ năm 2018; quỹ tỉnh thu 386,8 tỷ đồng, đạt 42% kế hoạch năm 2019, bằng 109% so với cùng kỳ năm 2018. Đây tiếp tục là nguồn tài chính tái đầu tư bền vững cho sản xuất lâm nghiệp gắn với an sinh xã hội sâu sắc.

Tiếp tục thúc đẩy triển khai thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, bảo đảm kinh doanh rừng lâu dài, liên tục và đạt hiệu quả kinh tế cao, ổn định về trữ lượng và đầu ra cho người dân…. trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng diện tích rừng được cấp chứng chỉ mới là 17.000ha, tổng diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững là 237.386ha. Hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam đã trở thành thành viên hợp tác thứ 50 với PEFC.

Tác giả: Nguyễn Hạnh

Nguồn tin: Báo Công thương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP