Trong tỉnh

5 nhà giáo ưu tú người Nghệ được sử sách lưu danh

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Báo Nghệ An xin điểm lại 5 nhà giáo ưu tú xứ Nghệ có rất nhiều đóng góp cho sự phát triển của giáo dục Việt Nam, cũng như nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.

1. Nhà giáo Phan Bội Châu (1867–1940)

Phan Bội Châu sinh ngày 26/12/1867 tại làng Đan Nhiễm, xã Nam Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Gia cảnh khó khăn, ông đi dạy học kiếm sống và học thi. Khoa thi năm Đinh Dậu (1897) ông đậu vào trường nhì nhưng bạn ông là Trần Văn Lương đã cho vào tráp mấy cuốn sách nên ông bị khép tội "hoài hiệp văn tự" (mang văn tự trong áo) nên bị kết án suốt đời không được dự thi nữa.

Nhà giáo Phan Bội Châu (1867–1940). Ảnh: Internet

Sau sự cố này, Phan Bội Châu vào Huế dạy học, do mến tài ông nên các quan đã xin vua Thành Thái xóa án. Nhờ vậy, ngay khoa thi hương tiếp theo, năm Canh Tý (1900), ông đã đậu đầu (Giải nguyên).

Phan Bộ Châu là người đả kích việc thực dân Pháp cấm giảng dạy lịch sử Việt Nam mà thay vào đó là lịch sử Pháp, nhằm dụng ý xóa bỏ những ảnh hưởng của văn hóa truyền thống Việt Nam, truyền bá văn hóa Pháp nhằm đồng hóa người Việt.

Năm 1904, ông cùng Nguyễn Hàm và khoảng 20 đồng chí khác thành lập Duy Tân hội ở Quảng Nam để đánh đuổi Pháp. Năm 1905, ông cùng Đặng Tử Kính và Tăng Bạt Hổ sang Trung Quốc rồi sang Nhật Bản, để cầu viện Nhật giúp Duy Tân hội đánh đuổi Pháp.

Tại Nhật, ông gặp Lương Khải Siêu, một nhà cách mạng người Trung Quốc, và được khuyên là nên dùng thơ văn (nghe lời Phan Bội Châu viết Việt Nam vong quốc sử) để thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam. Lại nghe hai nhân vật quan trọng của Đảng Tiến Bộ đang cầm quyền ở Nhật Bản, là Ōkuma Shigenobu (Bá tước Ôi Trọng Tín) và Thủ tướng Inukai Tsuyoshi (Khuyển Dưỡng Nghị) khuyên là nên cổ động thanh niên ra nước ngoài học tập để sau này về giúp nước.

Năm 1905, Phan Bội Châu cùng Đặng Tử Kính mang theo một số sách Việt Nam vong quốc sử về nước. Tại Hà Tĩnh, ông và các đồng chí nồng cốt trong Duy Tân hội bàn bạc rồi đưa ra kế hoạch chọn một số thanh niên thông minh hiếu học, chịu được gian khổ, đưa đi học ở nước ngoài. Sau đó, phong trào Đông Du được hai ông phát động, được đông đảo người dân ở cả ba kỳ tham gia và ủng hộ, nhất là ở Nam Kỳ.

2. Nhà giáo Nguyễn Tất Thành (1890-1969)

Chủ tịch Hồ Chí Minh (tên lúc nhỏ là Nguyễn Sinh Cung, tên khi đi học là Nguyễn Tất Thành, trong nhiều năm hoạt động cách mạng trước đây lấy tên là Nguyễn Ái Quốc), sinh ngày 19/5/1890 ở làng Kim Liên, xã Nam Liên (nay là xã Kim Liên), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An và mất ngày 02/9/1969 tại Hà Nội.

Thăm lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” (13/9/1958). Ảnh: Internet

Trên con đường bôn ba tìm đường cứu nước, trở thành lãnh tụ của dân tộc Việt Nam, Nguyễn Tất Thành đã dạy học tại Trường Dục Thanh. Dấu ấn về người thầy và nghề dạy học chỉ được khắc họa một phần nhỏ trong toàn bộ cống hiến lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh - 1 cuộc đời vì nước, vì dân. Song, đóng góp đó đã, đang và sẽ mãi mãi là tài sản vô giá đối với sự nghiệp giáo dục nước ta và trở thành quan điểm giáo dục mang tính thời đại sâu sắc.

Đối với Nguyễn Tất Thành, việc dạy học chỉ là tạm thời, nhưng Người vẫn đem hết lòng nhiệt tình truyền thụ cho học sinh lòng yêu nước và những suy nghĩ về vận mệnh của đất nước.

Thầy giáo Nguyễn Tất Thành được học trò quý mến vì thầy thương yêu học sinh hết mực và thầy có cách giáo dục rất nhẹ nhàng mà thấm thía. Thầy luôn ân cần căn dặn: “Chữ là mắt, người không có chữ coi như bị mù vậy”, không có chữ con người ta bé nhỏ trước tất cả mọi thứ dưới gầm trời này và người không có chữ sẽ mãi mãi là vật bị sai khiến, vật hy sinh cho bọn thống trị, cho nên các trò được ngồi học là phải tự hỏi mình: “Học chữ để nên người, giúp dân cứu nước, hay học để vinh thân phì gia?”.

Người còn là người Thầy tận tình chỉ bảo, đào tạo nên những chiến sĩ cộng sản xuất sắc và có nhiều tác phẩm văn học xuất sắc.

3. Nhà giáo Đặng Thai Mai (1902-1984)

GS. Đặng Thai Mai còn được biết đến dưới tên gọi Đặng Thái Mai và những bút danh Thanh Tuyền, Thanh Bình. Ảnh: Internet

Đặng Thai Mai sinh ngày 25 tháng 12 năm 1902 tại làng Lương Điền (nay là Thanh Xuân), huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An trong một gia đình nho học. Cha ông là Đặng Nguyên Cẩn, đỗ phó bảng, tham gia phong trào Duy Tân cùng với Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, bị thực dân Pháp bắt, đày đi Côn Đảo. Ông là hậu duệ của Tể tướng Đặng Dung, thuộc chi Tiến sĩ Đặng Công Thiếp.

Năm 1925, khi đang theo học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương - Hà Nội, ông tham gia phong trào đòi "ân xá" Phan Bội Châu, truy điệu Phan Chu Trinh, đồng thời gia nhập đảng Tân Việt.

Năm 1928, ông trở thành giáo sư Trường Quốc học Huế. Năm 1929, khi đảng Tân Việt tan vỡ, ông bị xử một năm tù treo, sau đó lại trở về dạy học ở Huế. Ông lại bị bắt năm 1930 và bị xử 3 năm vì tham gia phong trào Cứu tế đỏ. Sau khi ra tù, Đặng Thai Mai ra Hà Nội sống và dạy học tại trường tư Gia Long (1932).

Đến năm 1935, Đặng Thai Mai cùng với các bạn là Phan Thanh, Hoàng Minh Giám, Võ Nguyên Giáp... lập ra Trường tư thục Thăng Long. Năm 1936, ông cùng Nguyễn Văn Tố, Vương Kiêm Toàn, Phan Thanh, Võ Nguyên Giáp... thành lập ra Hội truyền bá chữ Quốc ngữ...

Sau Cách mạng tháng Tám, ông giảng dạy ở bậc đại học và nghiên cứu phê bình văn học. Năm 1946, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I, Ủy viên Ban dự thảo Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng thời là Bộ trưởng Bộ giáo dục trong Chính phủ liên hiệp kháng chiến...

4 . Nhà giáo Lê Văn Thiêm (1918-1991)

Thầy giáo Lê Văn Thiêm quê ở huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, nổi tiếng là một học trò rất thông minh. Ông từng đỗ tú tài toàn phần và được nhận vào học tại trường Đại học Đông Dương.

Giáo sư Lê Văn Thiêm nổi tiếng vì ông gắn liền với rất nhiều cái “đầu tiên”. Là người Việt Nam đầu tiên thi đỗ vào trường Ecole Normale Superieure de Paris - trường hàng đầu trong việc đào tạo các nhà khoa học ở Pháp.

Là nhà khoa học Việt Nam đầu tiên đạt được học vị Tiến sỹ quốc gia (học vị cao nhất ở Pháp). Là người Việt Nam đầu tiên trở thành giáo sư toán học tại một trường Đại học Châu Âu.

Nhà giáo Lê Văn Thiêm cùng phu nhân Võ Thị Lệ Hồng và ái nữ Lê Minh. Ảnh: Internet

Là người đầu tiên trở thành Chủ tịch Hội toán học Việt Nam, Viện trưởng đầu tiên của Viện Toán học Việt Nam. Là Tổng biên tập đầu tiên của hai tờ báo Toán học Việt Nam là Vietnam Jaurnal of Mathematies và Acta Mathematica Vietnamica...

Giải thưởng Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất cùng với các giải thưởng dành cho ông là minh chứng xứng đáng cho điều đó.

5. Nhà giáo Hoàng Xuân Hãn (1908-1996)

Thầy là người làng Yên Hồ, huyện La Sơn (nay là huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Thầy Hoàng Xuân Hãn là một trường hợp đặc biệt, là một nhà khoa học giáo dục xuất sắc.

Là một nhà khoa học có trình độ cổ văn xuất sắc, thầy nắm vững chữ Hán, chữ Nôm và đầu tư nghiên cứu văn học, sử học. Hoàng Xuân Hãn là người đầu tiên sưu tập và gìn giữ được bút tích của vua Quang Trung. Vì thế, người ta mới biết rằng Chinh phụ ngâm có 7 bản dịch.

Giáo sư Hoàng Xuân Hãn. Ảnh: Internet

Công lao của Hoàng Xuân Hãn là đã sưu tầm được đầy đủ hồ sơ về cuộc kháng chiến chống Tống của Lý Thường Kiệt với rất nhiều số liệu, sự kiện. Đặc biệt, thầy còn nghiên cứu nhiều về Hồ Xuân Hương, về truyện Song Tinh, về Nguyễn Biểu, về cố Điện... được giới khoa học đánh giá cao.

Những đối tượng nghiên cứu của ông được nhìn nhận bằng con mắt khoa học chứ không phải bằng cái nhìn của quan điểm chủ quan. Trong cuốn “Thầy giáo Việt Nam mười thế kỷ” học giả Vũ Ngọc Khánh đã nhận xét: “... Hôm nay, ngày mai, dù ta có chỗ đứng như thế nào thì đọc Hoàng Xuân Hãn đều có thể yên tâm được”.

6. Nhà giáo Lê Thước (1891 -1975)

Thầy Lê Thước sinh ra ở làng Trung Lễ, xã Ngu Lâm, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Gia đình ông có truyền thống nổi tiếng về văn học lẫn võ nghiệp như Lê Văn Huân, Lê Minh, Lê Nghệ, Lê Võ, Lê Trực...

Năm 27 tuổi ông đỗ đầu kỳ thi Hương và được mời làm quan. Tuy nhiên Lê Thước đã từ chối quan trường để tiếp tục dấn thân vào sự học. Năm 30 tuổi ông tốt nghiệp ban văn học trường Cao đẳng Sư phạm với bản luận văn “Việc học chữ Hán ở Việt Nam”.

Nhà giáo Lê Thước. Ảnh: internet

Nhà giáo Lê Thước còn là một nhà văn hóa, một nhà nghiên cứu, nhà hoạt động xã hội tích cực. Ông có các tác phẩm như “Truyện cụ Nguyễn Du” (viết chung với Phan Sỹ Bàng), “Sự nghiệp và thơ văn của Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ”.

Cuộc đời của thầy Lê Thước đã để lại cho đời nhiều thành tựu là niềm cảm hứng của thế hệ học trò tiếp tục phát huy tư tưởng của thầy để làm rạng danh sự nghiệp giáo dục Việt Nam.

Tác giả: Lê Hoa (Tổng hợp)

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP