Kinh tế

300 triệu đồng/m2: Dân buôn đứng hình, bỏ chạy khỏi Đà Nẵng

Giá đất cao ngất ngưởng khiến thị trường nhà đất Đà Nẵng chững lại. Khi cơ quan chức năng bắt đầu thắt chặt về mặt pháp lý, giới đầu cơ nhà đất tháo chạy nên khối lượng giao dịch, mua bán giảm dần.

Theo khảo sát, giá nhà đất tại Đà Nẵng tăng chóng mặt thời gian qua. Nhiều khu vực giá đất nền tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2017. Đơn cử, giá đất tại khu vực ven biển dọc theo trục đường Võ Nguyên Giáp, mặt đường được xác định khoảng 300 triệu đồng/m2. Các trục đường lớn lớp trong có mức giá khoảng 200 triệu đồng/m2 và các đường nhỏ từ trên 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng/m2 tùy vị trí.

Đất dự án đô thị tại một số quận ven đô có giá giao dịch bình quân từ 10-15 triệu đồng/m2, tăng khoảng trên 30% so với cùng kỳ 2017.

Đất ven biển Đà Nẵng tăng giá

Ở phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, theo CBRE, thị trường có vẻ yên ắng do nguồn cung hạn chế và nhiều dự án tương lai vẫn chưa triển khai. Tổng nguồn cung 841 căn trên tất cả các phân khúc đến từ 15 dự án, tăng nhẹ 9% so với cùng kỳ năm trước. Giá chào bán trung bình của các dự án hầu như không thay đổi trong quý này. Giá trung bình vẫn ở mức 4.459 USD/m2, 2.224 USD/m2, và 1.167 USD/m2 cho các dự hạng sang, cao cấp và trung cấp tương ứng.

Sự tăng trưởng chậm trong hoạt động bán hàng một phần là do nguồn cung hạn chế khi có nhiều dự án đã bán hết và không có nhiều dự án mới chào bán. Nguồn cung biệt thự còn lại đến từ các dự án đang trì hoãn việc xây dựng hoặc các dự án hạng sang hay dự án mới ra mắt.

Phân khúc chung cư khá sôi động, số lượng giao dịch trong tăng gấp ba lần. Giá bán các dự án mới có sự tăng giá từ 3 10% qua các giai đoạn mở bán mới. Việc tăng giá này một phần do những căn chào bán đợt sau có vị trí đẹp và tầng cao hơn.

Mặt khác, với tín hiệu giao dịch tích cực, chủ đầu tư cũng mạnh dạn điều chỉnh giá tăng cho các đợt mở bán sau. Giá bán trung bình của các dự án lần lượt là 3.820 USD/m2; 2.250 USD/m2; 1.190 USD/m2 cho phân khúc hạng sang, cao cấp và trung cấp.

Nhiều dự án đắp chiếu thời gian dài

Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Đính, Hiệp hội môi giới BĐS Việt Nam, giá đất tại Đà Nẵng bị đẩy lên cao và không có giao dịch nào xuất hiện, chủ yếu là mua đi bán lại và giao dịch không nhiều. Các dự án quý I được bán chạy thì đến nay do thiếu nguồn hàng, bị môi giới đẩy giá ảo, xuất hiện bong bóng.

Do hiện tượng sốt đất ảo xuất hiện, các nhà đầu tư nhảy vào mua đi bán lại đẩy giá lên cao. Trong quý II/2018, hiện tượng này đã giảm rõ rệt. Nhưng giá BĐS thì hầu như vẫn đứng yên, không sụt giảm.

Khi các cơ quan bắt đầu thắt chặt về mặt pháp lý, làm cho giới đầu cơ nhà đất tháo chạy, khiến khối lượng giao dịch, mua bán giảm dần.

Bên cạnh đó, theo ông Đính, có nhiều dự án được phê duyệt nhưng không được triển khai do gặp vấn đề pháp lý, chính quyền không tháo gỡ được tạo hiện tượng khan hiếm hàng hóa trên thị trường.

Các chủ đầu tư dự án vẫn kỳ vọng vào thị trường nên vẫn có các dự án mới chuẩn bị đầu tư. Nhiều dự án bị đắp chiếu lâu do pháp lý hoặc do năng lực của chủ đầu tư yếu kém sau thời gian ngừng triển khai, xuất hiện “làn sóng” đầu tư mới thông qua thay đổi chủ đầu tư.

Việc Đà Nẵng vừa thông qua điều chỉnh quy hoạch và thiết kế kiến trúc cho một số dự án sẽ tạo cơ sở pháp lý cho nhà đầu tư mới triển khai đầu tư xây dựng để xóa dự án “treo” tồn tại nhiều năm nay ở trung tâm thành phố.

Tác giả: Nam Hải

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP