Số hóa

3 kiểu lừa đảo trên Facebook bạn cần biết

Vẫn bằng các chiêu trò cũ đánh vào lòng tham, không ít người dùng đã trở thành nạn nhân của kẻ lừa đảo.

Không giống như 10 năm về trước, cái thời mà công nghệ lạc hậu và tốc độ Internet tại Việt Nam còn chậm chạp. Giờ đây, chỉ cần một chiếc smartphone có kết nối mạng (WiFi hoặc 3/4G), người dùng sẽ tiếp cận được với cả “rừng” thông tin với đủ mọi thể loại, do đó nếu không biết cách chọn lựa, bạn sẽ rất dễ trở thành nạn nhân của các trò lừa đảo.

Để tạo lòng tin nơi người dùng, kẻ gian sẽ tạo các fanpage có tên giống với những thương hiệu lớn, sau đó đăng tải bài viết, chia sẻ các chương trình tặng xe, tặng quà miễn phí để đánh vào lòng tham và sự nhẹ dạ của người dùng. Thực tế để có được một lượng like nhất định, chúng ta mất rất nhiều thời gian thu hút thành viên. Tuy nhiên, chỉ với vài chiêu trò đơn giản, những kẻ lừa đảo đã có được một fanpage với hàng chục ngàn like. Khi đã có được lượng like lớn, họ sẽ đổi tên fanpage và bán cho người có nhu cầu với giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Bên cạnh đó, các thông tin cá nhân, số điện thoại mà bạn cung cấp cũng có thể được bán lại cho các bên thứ ba như bất động sản, quảng cáo, bảo hiểm.

Nếu muốn nhận biết các kiểu lừa đảo dạng này, người dùng chỉ cần để ý đến giá của sản phẩm, tìm hiểu kỹ các thông tin trên Internet. Thậm chí có một số trường hợp vừa đăng bán đã có hàng chục người nhảy vô đặt mua ngay mà không cần tư vấn, đây thực chất chỉ là nick ảo do những kẻ lừa đảo lập ra để dụ dỗ và lôi kéo người dùng.

Ngoài việc lấy cắp thông tin cá nhân, kẻ gian còn tạo ra các hội nhóm buôn bán xe giá rẻ với lời rao: “Xe đảm bảo chất lượng chính hãng 100% và vừa túi tiền cho những người có thu nhập thấp, an toàn khi lưu thông. Vì là xe nhập nên không có hồ sơ gốc, chỉ có cavet và biển số để lưu thông”. Theo lời quảng cáo, xe Exciter 135 có giá bán chỉ 10 triệu đồng, NVX 155 12 triệu đồng, Satria 12 triệu đồng, FZ 150i 15 triệu đồng, SH 300i 30 triệu đồng… tất cả đều là xe nhập và mới 100%. Để mua xe, bạn cần phải đặt cọc tiền (khoảng vài triệu) bằng thẻ cào điện thoại hoặc thẻ chơi game.

Không khó để nhận ra đây chỉ là một trò lừa đảo nhằm đánh vào lòng tham của người tiêu dùng. Ngay khi bạn vừa chuyển tiền cọc, kẻ gian sẽ chặn Facebook, chặn số điện thoại hoặc thậm chí là xóa cả hội nhóm buôn bán xe. Bên cạnh những chiêu trò lôi kéo người dùng mua SIM, bán hương liệu cà phê bẩn, cờ bạc ăn tiền thì giờ đây đến tiền giả cũng được công khai buôn bán trên Facebook.

Chỉ cần tìm kiếm từ khóa “mua bán tiền giả” trên Facebook, bạn sẽ thấy có rất nhiều fanpage, hội nhóm buôn bán tiền giả. Thông thường, kẻ gian sẽ đăng tải rất nhiều hình ảnh về những cọc tiền mệnh giá 100.000 đồng, 200.000 đồng và 500.000 đồng, kèm theo đó là lời rao bán 1 triệu tiền thật = 30 triệu tiền giả (không phân biệt mệnh giá).

Tất nhiên, khi nghe những lời rao ngọt như đường, hẳn là sẽ có không ít người nổi lòng tham để rồi bị lừa mà không biết kêu ai. Theo đó, để mua được tiền giả, bạn cần phải đưa trước cho người bán 50% số tiền để đặt cọc, sau đó sẽ có người đến giao hàng. Khi đề nghị trực tiếp đến xem hàng và trả tiền, người bán không chịu, yêu cầu phải gửi tiền cọc trước bằng thẻ cào điện thoại, thẻ game hoặc thông qua các dịch vụ như PayPal chứ nhất định không bán trực tiếp và không chuyển khoản ngân hàng với lý do sợ bị lộ danh tánh.

Về cơ bản, đa số những bức ảnh chụp của các đối tượng buôn bán tiền giả đều là lấy trên mạng, hoặc không thì họ thường lấy tay che đi những vị trí đặc biệt trên tờ tiền để bạn không thể phân biệt được đâu là thật, đâu là giả.

Hi vọng với những thông tin cảnh giác trên Kynguyenso.plo.vn, bạn đọc sẽ hạn chế được tình trạng mất cắp thông tin cá nhân và tiền bạc, đặc biệt là những người lớn tuổi và không rành công nghệ.

Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết cho nhiều người cùng biết hoặc để lại bình luận khi gặp rắc rối trong quá trình sử dụng.

Tác giả: TIỂU MINH

Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM

  Từ khóa: Facebook ,lừa đảo

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP