Nhân ái

3 đứa trẻ mồ côi lả đi vì đói bên bà nội tâm thần

Có những hôm 3 đứa trẻ lả đi vì đói nhưng người bà tâm thần vẫn ngồi cười nói vì chẳng biết gì. Cha mất, mẹ bỏ đi, đứt bữa với 3 anh em Nghĩa trở thành chuyện không hiếm.

Theo chân ông Từ Tứ - Bí thư ấp Hòa Trí, xã Long Khánh (TX Cai Lậy, Tiền Giang), chúng tôi đến thăm hoàn cảnh được giới thiệu là bi đát nhất địa phương. Từ bên ngoài, ngôi nhà cũ nát nhuốm màu xám xịt, ảm đạm như không còn sự sống.

Ông Tứ gọi một lúc, bà Đặng Thị Nguyệt (61 tuổi) từ trong nhà lững thững bước thấp bước cao ra đón khách. "Chắc cô chú là đoàn từ thiện", bà Nguyệt cao giọng hỏi. Chưa ai kịp phản ứng xem nên trả lời ra sao thì bà Nguyệt đã nói luôn "tôi cũng đang đi làm kiếm được tiền, vẫn đang lo cho cháu được, chưa đến nỗi nào", câu nói khiến mọi người sững sờ.

Bà Nguyệt đi đôi tất rách, quần áo xuề xòa ra đón khách (Ảnh: Nguyễn Cường).

Để tránh bị hiểu nhầm, ông Tứ vội giải thích rằng bà Nguyệt bị tâm thần, không tỉnh táo, không ý thức được đang nói gì. Từ khi anh Bình con trai bà Nguyệt mất thì ngôi nhà chẳng có ai ghé thăm, lâu lâu có người đến cho gạo, cho đồ nên bà Nguyệt mới hỏi như thế.

"Lần trước cũng có nhóm từ thiện đến cho 10kg gạo và 3 triệu đồng nhưng bà ấy bảo là nhà không thiếu, chỉ nhận một ít gạo đủ ăn trong ngày. Số tiền và gạo còn lại bà ấy cứ đòi trả để nhóm từ thiện đi giúp hoàn cảnh khác.

Tội lắm, nói thế chứ không biết gì đâu, có đi làm được gì đâu mà không thiếu. Ai cho nhà bà Nguyệt thứ gì, ít thì gửi hàng xóm, nhiều thì ấp đứng ra nhận hộ rồi sau đó mới đưa đến từng ít một. Cho nhiều bà Nguyệt cũng chỉ nhận đủ ăn trong ngày, nhất quyết không lấy hơn", ông Tứ nói.

Cha mất, mẹ bỏ đi, 3 đứa trẻ sống dựa vào người bà bị bệnh tâm thần, thường xuyên đói ăn, đứt bữa (Ảnh: Nguyễn Cường).

Ông Tứ cho biết, bốn năm qua, kể từ khi vợ bỏ đi theo người khác, anh Đặng Thái Bình (35 tuổi, con trai bà Nguyệt) vẫn chăm chỉ làm thuê làm mướn nuôi 3 đứa con thơ và người mẹ già. Nhà nghèo, mẹ có bệnh tâm thần, đứa con đầu là Đặng Hữu Nghĩa năm nay 12 tuổi cũng khù khờ chậm chạp đặt đâu ngồi đó.

Hai đứa nhỏ hơn thì mới 5 tuổi với 9 tuổi cũng chưa biết làm gì. Nhiều hôm anh Bình làm quần quật từ sớm đến tối, về nhà còn phải nấu cơm, tắm rửa cho cả bà lẫn cháu.

Thật thà, cần mẫn, hoàn cảnh lại éo le nên anh Bình được nhiều người thương, trong ấp ai có việc dọn vườn đắp đất cũng đều kêu đến, tạo điều kiện cho anh có việc làm để kiếm tiền nuôi con. Nhưng rồi cách đây 2 tháng, trong một hôm đi làm về khuya, anh Bình chẳng may ngã xe qua đời.

Mái nhà rách nát, bàn thờ bám đầy bụi của người đàn ông xấu số (Ảnh: Nguyễn Cường).

"Khổ đến cùng cực, trong ngôi nhà rách nát, đám tang bà con trong ấp góp tiền, chỉ làm cho đủ lễ trước khi đưa anh Bình ra đồng. Bà Nguyệt nửa tỉnh nửa mê chẳng biết khóc con, ba đứa trẻ thơ cũng đứng thẫn thờ chưa biết khóc khi cha mất. Khung cảnh ai thấy cũng đau xót", ông Tứ nhớ lại.

Cũng theo ông Tứ, anh Bình còn có 3 chị em gái nhưng đều đã có cuộc sống riêng, đều ở xa và cũng nghèo, lâu lâu mới về thăm ngoại, chẳng giúp được gì nhiều. Con trai không còn, bà Nguyệt vốn chẳng lo nổi cho bản thân bỗng phải thành điểm tựa của ba đứa cháu nội. Từ khi anh Bình mất, chỉ còn bốn bà cháu lủi thủi, nheo nhóc ôm nhau. Vì đói mà ba đứa trẻ cũng chẳng còn hiếu động, ngôi nhà từ sáng đến chiều cứ im phăng phắc.

Trong ngôi nhà cũ, ngước lên có thể thấy mái tôn thủng lỗ chỗ không còn che được hết nắng, xung quanh là vách gỗ tạp cong vênh, dưới nền đất mối ăn lỗ chỗ. Bàn thờ anh Bình đặt ở một góc, tuềnh toàng. Ba đứa trẻ nằm trên tấm phản gỗ đối diện với bàn thờ cha, đứa nào cũng lặng thinh, phờ phạc.

Hết ngồi lại nằm, chiếc tivi đen trắng đã mất hình chỉ còn tiếng dường như giúp 3 đứa trẻ quên đi cái đói (Ảnh: Nguyễn Cường).

Chị Lê Thị Như Hà là hàng xóm bà Nguyệt chua xót: "Khổ lắm, nhiều hôm vợ chồng tôi đi làm tối mới về, nghe 3 đứa nhỏ đã kêu khan cả tiếng. Không cần sang hỏi cũng biết bà Nguyệt lên cơn động kinh nên quên nấu cơm, ba đứa cháu chưa có gì ăn nên bọn nó đói.

Tỉnh thì bà Nguyệt cũng bình thường, cũng lo cho cháu, nhưng khi lên cơn thì không làm gì được. May là còn mê ít, tỉnh nhiều. Những ngày thường hàng xóm còn mang cơm sang cho được. Tội nhất mấy hôm dịch Covid-19 bùng mạnh, ai cũng sợ lây cho mấy bà cháu nên không dám sang. Thấy bà cháu đói cũng chỉ biết đứng nhìn".

Ông Tứ cho biết, kể từ khi anh Bình mất, ấp đã vận động nhân ái giúp cho bà cháu bà Nguyệt nhưng chỉ được phần nào, cốt không để bị đứt bữa. Hiện ngôi nhà 4 bà cháu đang ở đã dột nát, điều kiện sống rất tồi tệ.

"Địa phương rất mong mạnh thường quân gần xa giúp đỡ để bà cháu bà Nguyệt có thể có mái nhà lành lặn và không phải chịu cảnh bữa đói bữa no. Bà Nguyệt không biết sử dụng tiền, nếu được hỗ trợ địa phương sẽ sắp xếp để quản lý, sử dụng số tiền công khai, minh bạch, để mạnh thường quân an tâm. Thay mặt bốn bà cháu và địa phương, tôi cảm ơn rất nhiều", ông Tứ nói.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

Bà Đặng Thị Nguyệt

Địa chỉ: Ấp Hòa Trí, xã Long Khánh, TX Cai Lậy, Tiền Giang

ĐT: 0907885359 (ông Từ Tứ - Bí thư ấp)

Tác giả: Nguyễn Cường

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP