Trong nước

1.600 ngày sinh tử trong vòng vây hải tặc

Những thuyền viên nghèo khổ trên hành trình bám biển mưu sinh bị hải tặc Somalia tấn công, bắt giữ. Trong quãng thời gian đằng đẵng hơn 1.600 ngày giam cầm, các con tin phải nếm chịu mọi đắng cay, cực hình, lay lắt giữa lằn ranh sự sống và cái chết. Cuối cùng, họ bất ngờ được phóng thích, trở về trong sự ngỡ ngàng của bạn bè, người thân.

Thuyền viên Phan Xuân Phương (thứ 4 từ phải sang) cùng bà con chòm xóm.

Tàu FV Na Ham 3 của Đài Loan chở 26 thuyền viên, trong đó có 3 thuyền viên Việt Nam bị cướp biển Somalia bắt giữ tại một vùng biển gần quần đảo Seychelles (Ấn Độ Dương) vào tháng 3/2012. Với nhiều thuyền viên, đây là chuyến ra khơi đánh cá đầu tiên.

Hy vọng đổi đời

Lần theo con đường mòn, chúng tôi trở lại thăm gia đình vợ chồng ông Phan Xuân Linh (SN 1945), trú tại xóm 2, xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An, cha của anh Phan Xuân Phương (SN 1989). Anh Phương là một trong 3 thuyền viên quê Nghệ An, Hà Tĩnh bị cướp biển Somalia bắt giữ. Căn nhà cấp bốn lọt thỏm giữa bãi mía ngút ngàn. Bước vào nhà, thấy ông Linh đang cặm cụi ngồi rửa rau bên giếng. Ông mải mê với công việc của mình mà không để ý đến sự xuất hiện của đám khách lạ.

“Phương ơi, có khách này con”, nghe tiếng cha gọi, chàng thanh niên đang đứng giữa sân chạy ra. Phương mỉm cười chào hỏi rồi ngần ngại gật đầu. Thấy con trai mình như vậy, ông Linh đỡ lời: “Nó trở về đã mấy tuần nay nhưng tiếng Việt nói chưa rành rõ lắm cháu à, bị đánh đập nhiều ảnh hưởng đến trí nhớ”. Phan Xuân Phương là con thứ 3 trong gia đình có bốn anh em. Sinh ra trên mảnh đất nghèo Nghĩa Yên nên từ nhỏ, Phương cùng đám bạn đã quen với công việc nhà nông. Sáng cắp sách tới trường, chiều về theo bố bên những đường cày trên ruộng. Sự khổ cực đã tôi luyện cho con người nơi đây đức tính cần cù, chịu khó.

Đầu năm 2011, gia đình anh Phan Xuân Phương vay mượn ngân hàng 25 triệu nộp cho Trung tâm Xuất khẩu lao động Vinamotor để làm visa đưa con sang Đài Loan làm ăn. Công việc chính là làm thuyền viên cho tàu đánh cá ngừ, với mức lương 300USD/tháng. Ngày 5/4/2011, Phương bịn rịn chia tay gia đình. “Lên tàu đánh cá, tôi được giao việc cuốn thu câu. Quê tôi miền trung du bốn phía đồi núi ruộng đồng, bờ biển xa hàng chục cây số. Đây là chuyến đầu tiên đi biển, không quen sóng nước nên tôi say nhừ tử, nằm bẹp gí không ăn uống chi được. Công việc lạ lẫm, phải mất hơn một tuần thì tôi và nhiều người khác mới làm quen được với nghề câu cá. Nhìn xung quanh mênh mông nước, lớp lớp sóng bạc đầu, nhớ nhà ngao ngán. Tôi được ở chung phòng với anh Hạ, anh Xuân (người Kỳ Anh, Hà Tĩnh) nên cũng bớt lạ lẫm. Bốn bề sóng nước, mỗi ngày được nghe giọng miền trung quê mình cũng đỡ...hoang mang”, Phương kể.

Trên tàu FV Na Ham có 29 thuyền viên thuộc nhiều nước khác nhau như Việt Nam, Indonesia, Campuchia, Trung Quốc, Philippines... nên việc bất đồng ngôn ngữ là không tránh khỏi. Thuyền viên muốn giao lưu với nhau phải biết tiếng Anh hoặc dùng ký hiệu, “nói” với nhau bằng tay. “Chỉ huy tàu bảo mỗi lần ra khơi đánh cá như vậy sẽ mất khoảng 6 tháng mới quay trở lại đất liền. Sáu tháng lênh đênh trên biển, không nhìn thấy bờ, thật ngoài sức tưởng tượng của tôi. Nhưng biết sao được, đâm lao thì phải theo lao. Đêm nằm trên tàu, nghĩ mông lung thấy sợ. Ngộ nhỡ ai đó trên tàu lên cơn đau ruột thừa hay bị bệnh hiểm nghèo thì biết kêu ai?”, Phan Xuân Phương nhớ lại.

Cùng tàu đánh cá với Phan Xuân Phương còn có Nguyễn Văn Xuân (xóm Hòa Lộc, xã Kỳ Trinh, TX Kỳ Anh) và Nguyễn Văn Hạ (xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Gia đình đông con, bước qua tuổi mười bảy, Xuân đóng thuyền nhỏ vượt sóng cùng trai làng bám biển. “Hải sản ngày càng khan hiếm, chưa bao giờ trai làng biển hết lo nghĩ. Tuổi thanh niên mọi người được đi học, mình lại vật lộn với sóng gió, quên thì thôi chứ nhớ đến lại chạnh lòng!”, Xuân nói. Ngoài tuổi 20, Xuân bén duyên cùng thôn nữ Nguyễn Thị Quỳnh xã bên. Hai vợ chồng được bố mẹ chồng cho mảnh đất bồi ven sông để xây căn nhà tạm. Ngày ngày, Xuân dong thuyền đi đánh cá, Quỳnh ở nhà bếp núc, chăm con. Cuộc sống nghèo của vợ chồng Xuân cùng hai con gái nhỏ trong ngôi nhà xiêu vẹo dường như ngột ngạt hơn khi hàng xóm, bạn bè đua nhau xuất ngoại Đài Loan, Hàn Quốc. Sau nhiều đêm trắng trăn trở, hai vợ chồng quyết định vay mượn tiền của bạn bè, người thân để anh đi XKLĐ. Chạy vạy hết người này người kia được gần 20 triệu, với số tiền này chỉ đủ để Nguyễn Văn Xuân làm thủ tục đi trên tàu đánh cá xa bờ của Đài Loan. Đầu năm 2011, Xuân tạm biệt vợ con, gia đình để lên đường với hy vọng đổi đời.

Bất ngờ bị hải tặc tấn công

“Mỗi ngày phải làm việc cật lực 14 đến 18 tiếng đồng hồ mới được nghỉ ngơi. Cuộc sống trên tàu kham khổ, làm việc nặng nhọc nhưng ăn uống chẳng ra gì, ngày nào cũng ăn cá nên ngán. Nhưng cứ nghĩ vợ con ở nhà nợ nần, nghĩ đến đường về, khó khăn mấy anh em cũng phải động viên nhau làm việc”, anh Xuân tâm sự. Tàu FV Na Ham được ông chủ lệnh chạy mười ngày mới bắt đầu thả câu. Tuy nhiên, khi được hơn 2 ngày, vị thuyền trưởng thấy cá nhiều nên lệnh cho tàu thả neo. “Khoảng 3 giờ chiều ngày 17/3/2012, thuyền trưởng lệnh cho thuyền viên trên tàu thả 4.000 lưỡi câu xuống biển. Sau khi ăn uống xong, mọi người bắt đầu kéo câu lên tàu. Khoảng tầm 8 giờ tối, khi những lưỡi câu cuối cùng được đưa lên, thuyền viên bắt đầu thu dọn đồ đạc để trở về phòng tắm rửa thì bất ngờ tiếng súng, pháo sáng nổ đùng đùng bên mạn tàu”, thuyền viên Nguyễn Văn Xuân rùng mình kể lại.

Nước mắt rơi trên bước đường lưu lạc của người thủy thủ nghèo

Sau vài phút bị đạn bắn bất ngờ, mọi người trên tàu hoảng hốt ôm đầu nằm sát xuống. Lúc này, loa thông báo yêu cầu các thuyền viên chạy trốn vì cướp biển đang tấn công. “Cả đời chỉ mới nghe từ cướp biển chứ ai ngờ được mình lại rơi vào tay bọn chúng. Lúc bước lên tàu, thuyền trưởng bảo tàu mình lớn bọn cướp biển chỉ có tàu nhỏ nên không dám bén mảng tới. Nào ngờ vài chục phút nã đạn, bảy tên cướp biển đã nhảy phắt lên boong”, anh Nguyễn Văn Hạ kể. Mỗi người bỏ chạy một góc, điện tắt, tối như bưng, chỉ có tiếng súng chát chúa, tiếng bước chân nện thình thịch, tiếng quát nạt ỏm tỏi. Thuyền trưởng kéo ga rẽ sóng cho tàu chạy thoát. “Tôi và hai thuyền viên Việt Nam cố chạy về phòng ẩn nấp, cứ nghĩ sẽ chết dưới họng súng của bọn cướp biển. Nhiều người ôm đầu nhắm mắt cầu nguyện”, anh Hạ nhớ lại.

Khoảng 40 phút sau, tiếng máy tàu giảm dần rồi tắt hẳn, các thuyền viên trên tàu ai nấy nằm im một chỗ. Bảy tên cướp biển súng lăm lăm trên tay, ánh đèn pin sục sạo khắp nơi. “Sau vài tiếng gõ cửa phòng, ba anh em thuyền viên Việt Nam không dám bước ra mở cửa. Khi cửa đẩy vào, hai tên lăm lăm dí súng vào đầu chúng tôi. Chúng hô lớn và ra ký hiệu đưa tay ra trói chặt rồi dẫn lên phía trên ca bin của tàu”, Nguyễn Văn Xuân kể. Vừa bước lên ca bin, cảnh tượng hãi hùng hiện ra trước mắt mọi người: Vị thuyền trưởng bị bọn cướp biển bắn chết gục trên vô lăng, máu tuôn xối xả.

Khoảng 10 giờ đêm, hải tặc nổ máy cho tàu chạy, thuyền viên bị trói chặt chân tay không dám cử động, vì các tay súng cứ hằm hè gí sát vào từng người. Đến 8 giờ sáng ngày hôm sau, 5 thuyền viên trốn phía trên ca bin bị cướp biển phát hiện. Nhằm uy hiếp tinh thần, khi đưa các con tin này xuống, những tên cướp biển trói chặt tay rồi dùng sống dao đập liên tiếp vào tay. “Thấy các thuyền viên bị chúng hành hạ, nghĩ đằng nào cũng chết, anh em muốn nhảy bổ tới ăn thua với bọn chúng. Nhưng mọi người nhìn nhau ra ký hiệu im lặng vì trên tay chúng là súng đạn, tay mình lại bị trói chặt”, thuyền viên Nguyễn Văn Xuân kể. Con tàu lầm lũi nổ máy chạy trong đêm, bắt đầu hành trình tưởng chừng dài vô tân.

“Mặt mũi hải tặc đứa nào cũng bặm trợn, râu ria xồm xoàm. Khi thấy thuyền trưởng bị sát hại, mọi người cứ nghĩ mình không có cơ hội thoát khỏi họng súng của lũ cướp”, anh Xuân nhớ lại. Sau gần hai giờ đồng hồ bị bao vây, khống chế, các thuyền viên trên tàu bị bọn cướp biển trói chặt tay chân gom về một chỗ. Thi hài thuyền trưởng được bọn cướp biển gói lại đưa xuống cho vào hầm lạnh.

Tác giả bài viết: Minh Thùy- Quang Long - Cảnh Huê

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP